Thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng thời gian tới
Từ khóa: đầu tư công, TP. Hải Phòng, vị thế thành phố hoa phượng đỏ
Summary
The article analyzes the impact of public investment on Hai Phong city’s socio-economic growth in the period 2016-2023 and compared with the previous period 2011-2015. On that basis, the authors propose a number of solutions to help the City improve the efficiency of public investment management, contributing to completing the 5-year socio-economic development plan for 2021-2025, soon elevating the position of Hai Phong in the country’s economy.
Keywords: public investment, Hai Phong city, the position of the city of red phoenix flowers
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bản chất là việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cấp thiết phục vụ cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của nhà nước trong từng thời kỳ và cơ cấu lại nền kinh tế thành phố. Tỷ trọng đầu tư công được giữ lại từ tổng thu ngân sách địa phương sẽ được phân bổ hợp lý dựa trên chủ trương tập trung phát triển của nhà nước đối với địa phương ở từng thời kỳ nhất định.
Giai đoạn 2016-2023 đánh dấu thời kỳ mà Hải Phòng như “bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài”. Thành phố hoàn thành vượt mức xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra với 12/20 chỉ tiêu, trong đó 7/12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch giao từ 1-3 năm; 7/20 chỉ tiêu hoàn thành đúng hạn về các tiêu chí môi trường - xã hội và chỉ chưa hoàn thành chỉ tiêu về tuổi thọ trung bình.
Ngày 30/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Mục tiêu của Quy hoạch chung là xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không, đường thủy nội địa; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển. Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, Hải Phòng cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.
ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NSNN TP. HẢI PHÒNG THỜI KỲ 2011-2023
Tổng quan về đầu tư công từ NSNN giai đoạn 2011-2015
Giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã nỗ lực triển khai tái cơ cấu đầu tư công thông qua xây dựng và áp dụng quy trình thẩm định, phân bổ vốn đầu tư; vốn từ ngân sách thành phố cho các dự án, công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật tuy nhiên chưa đem lại nhiều hiệu quả. Công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công mang tính chất ngắn hạn, hàng năm; nhiều dự án cấp huyện, cấp xã vượt quá khả năng về vốn, đầu tư dàn trải và tiến độ kéo dài (Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 2015). Giai đoạn này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố chỉ đạt khoảng 208 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân ở ngưỡng 9,04%/năm.
Bảng 1 cho thấy, tổng chi cân đối NSNN và chi đầu tư công là tương đối thấp, dù rằng tỷ trọng dành cho chi đầu tư công không phải là nhỏ, nhưng quy mô về cả 2 dòng vốn là khá hạn chế. Trong giai đoạn 2011- 2015, tổng chi cân đối ngân sách là 48.633 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư công ở mức 13.063 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 23,8% hàng năm.
BẢNG 1: TỔNG CHI NSNN TRONG CÂN ĐỐI CHO ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2011-2015
Đơn vị: Tỷ đồng
Chỉ tiêu | Tổng 5 năm | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | bình quân (%) Tỷ lệ tăng |
Tổng chi cân đối NSNN | 48.633 | 7.260 | 7.805 | 8.673 | 10.077 | 14.818 | 8,8 |
Chi đầu tư công | 13.063 | 2.124 | 1.621 | 2.169 | 2.358 | 4.791 | 23,8 |
Tỷ trọng (%) | 26,86 | 29,26 | 20,77 | 25,01 | 23,4 | 35,74 |
|
Nguồn: UBND TP. Hải Phòng
Tình hình chi đầu tư công từ NSNN giai đoạn 2016-2023
Giai đoạn 2016-2023, nguồn vốn đầu tư công so với tổng chi cân đối NSNN là không quá cao, nhưng có xu hướng gia tăng nhanh qua từng năm (Hình 1).
HÌNH 1: CHI ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NSNN TẠI HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2016-2023
Nguồn: HĐND TP. Hải Phòng |
Trong giai đoạn này, Thành phố huy động mọi nguồn lực đầu tư công để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông; Đô thị đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và liên thông với mạng giao thông vùng, quốc gia. Khởi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng, hiện đại với quy mô lớn; phát triển hạ tầng kết nối tới các khu kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), du lịch, dịch vụ trên địa bàn nhằm thu hút và đáp ứng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Chỉnh trang phát triển đô thị, nâng cấp hạ tầng khu vực đô thị trung tâm, hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đầu tư cho y tế, giáo dục, đào tạo.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2023 gồm: (1) Hạ tầng đô thị; (2) Hạ tầng giao thông đường bộ; (3) Quản lý nhà nước; (4) Hạ tầng xã hội; (5) Hạ tầng thủy lợi; (6) Các lĩnh vực khác. Có thể thấy thành phố lấy việc xây dựng hạ tầng làm trung tâm để phát triển kinh tế, tạo nền móng cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Ngoài ra, điểm mới của giai đoạn này so với giai đoạn 2011-2015 là Thành phố đã xây dựng Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm căn cứ theo Nghị quyết số 26/2016/QH14, ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn thay vì những kế hoạch ngắn hạn trước đây. Việc này đã giúp cho công tác đầu tư công trên địa bàn được triển khai rất bài bản và khoa học.
ĐẦU TƯ CÔNG - ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - XÃ HỘI TP. HẢI PHÒNG
Trong giai đoạn 2016-2023, sự gia tăng của nguồn vốn đầu tư công qua từng năm là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của Thành phố. Nếu giai đoạn 2011-2015, Thành phố chỉ chi khoảng 13.063 tỷ đồng cho đầu tư công trong 5 năm, thì giai đoạn 2016-2023, đã có sự thay đổi rõ rệt khi Thành phố đã mạnh tay đầu tư 109.004 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023 là năm hoạt động đầu tư công của Thành phố diễn ra sôi nổi nhất với tổng nguồn vốn đầu tư công là 22.335 tỷ đồng, gấp 1,71 lần so với cả giai đoạn 2011-2015.
Với tác động tích cực của đầu tư công, trái ngược với giai đoạn 2011-2015, thời kỳ 2016 -2023 và đặc biệt là giai đoạn2016-2020 chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc về tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố (Bảng 2). Thời kỳ này, kinh tế Hải Phòng phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng.
BẢNG 2: NHỮNG THÀNH TỰU CỦA TP. HẢI PHÒNG Ở MỘT SỐ CHỈ TIÊU
Chỉ tiêu | 2011- 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 |
Tốc độ tăng trưởng GRDP (%) | 7,08 | 11,21 | 13,93 | 16,19 | 16,62 | 12,23 | 12,38 | 12,32 | 10,34 |
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng) | 188.355 | 53.846 | 76.919 | 109.501 | 151.777 | 172.250 | 204.000 | 235.000 | 190.641 |
Tổng thu NSNN trên địa bàn (tỷ đồng) | 256.119 | 63.875 | 76.078 | 81.353 | 96.939 | 89.600 | 90.421 | 107.132 | 102.614 |
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng
GRDP bình quân trong giai đoạn 2016-2023 tăng bình quân 13,09%, gấp 1,24 lần mục tiêu đề ra của giai đoạn 2016-2020 (10,5%/năm), gấp 1,85 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 1,93 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (6,78%/năm). Một chỉ tiêu đáng chú ý khác cũng vô cùng quan trọng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Có thể thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2016-2023 của Hải Phòng là 1.249.293 tỷ đồng, gấp 6,33 lần giai đoạn 2011-2025 (188.355 tỷ đồng) và gấp 2,84 lần mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đã đề ra (440.000 tỷ đồng). Qua chỉ tiêu này có thể thấy được sự gia tăng đầu tư theo cấp số nhân của TP. Hải Phòng. Chỉ xét riêng 3 năm 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã là 685.000 tỷ đồng, gấp 3,63 lần giai đoạn 2011- 2015. Có thể nói, trong giai đoạn 2016-2023, Thành phố đã có những sự chuyển biến rõ rệt nhất, trở thành điểm sáng của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngoài ra, 2016-2023 cũng là thời kỳ đầu tiên mà TP. Hải Phòng có 2 năm liên tục là 1 trong 5 địa phương duy nhất trên cả nước có tổng thu NSNN ở địa phương trên 100.000 tỷ đồng (năm 2022, 2023). Con số này thể hiện vị thế càng cao của TP. Hải Phòng trong bức tranh kinh tế chung của cả nước. Tính riêng trong 2 năm (2022-2023), tổng thu NSNN tại TP. Hải Phòng đã bằng xấp xỉ 81,9% cả giai đoạn 2011-2015.
Kết quả tất yếu của hoạt động đầu tư công có hiệu quả của TP. Hải Phòng giai đoạn 2016-2023 đã đón nhận rất nhiều những tin vui về cả kinh tế - xã hội - môi trường, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của những giai đoạn sau, thể hiện qua những mặt sau:
Về kinh tế
Trong giai đoạn 2016-2023, TP. Hải Phòng đẩy mạnh các công trình kết nối với các địa phương lân cận: Cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão, TP. Hải Phòng và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh hải Dương), cầu sông Hóa (nối huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Hầu hết các công trình, dự án đầu tư công đều đúng tiến độ đề ra, thậm chí có những công trình đạt được kỷ lục về tiến độ thi công, như: cầu Hàn, cầu Đăng, cầu sông Hóa, nút giao Nam cầu Bính… và giai đoạn này đã xây dựng trên dưới 50 cây cầu các loại, thay đổi bộ mặt giao thông - đô thị Thành phố.
Đồng thời, triển khai đồng loạt các Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các vùng và các dự án cảng biển: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bến số: 3, 4, 5, 6, 7, 8 của khu bến Lạch Huyện và kêu gọi đầu tư các bên còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, tích cực hoàn thành các thủ tục và triển khai Nhà ga hành khách số 2; Dự án mở rộng Sân đỗ máy bay - Giai đoạn 2 và dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.
Cũng trong giai đoạn này, việc đầu tư phát triển các KCN cũng góp công lớn trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất - nhập khẩu và gia tăng thu ngân sách của Thành phố. Cụ thể: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP của Thành phố từ 89,39% (năm 2020) đã lên tới 90,66% (năm 2022). Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 năm 2021-2022 tăng 16,26%/năm. Đáng chú ý là, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2022 đạt gần 45%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 16 đề ra đến năm 2025. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đến năm 2022 đạt 53,39%, cũng đã vượt mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp trong KCN chiếm tỷ trọng hơn 95% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố, đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng… Hải Phòng hiện có 14 KCN với tổng diện tích hơn 6.100 ha, bao gồm 9 KCN nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 KCN nằm ngoài Khu Kinh tế. Lũy kế đến nay, Thành phố đã thu hút 477 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 23 tỷ USD. Các nhà đầu tư trong nước đã đầu tư 205 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 300.000 tỷ đồng (tương đương với 13 tỷ USD) và thu hút gần 200.000 lao động trực tiếp. Bên cạnh đó, Hải Phòng đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để thành lập, mở rộng các dự án cụm công nghiệp. Hiện, các cụm công nghiệp gồm: Vĩnh Niệm, An Lão, Tân Liên, Tàu thủy An Hồng và Quán Trữ đang có tỷ lệ lấp đầy khoảng 86% và cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nhờ đó, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên Hải Phòng hơn trong việc lựa chọn địa phương đầu tư.
Khu vực đô thị trung tâm TP. Hải Phòng cũng được quan tâm đầu tư theo hướng văn minh hiện đại, đã hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng, như: Khu đô thị Vinhomes Imperia, các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, một số khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại Aeon Mall. Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm mở rộng đầu tư, như: mở rộng, xây dựng mới một số bệnh viện, trường học, cải tạo, mở rộng sông Tam Bạc, hoàn thiện chỉnh trang toàn bộ dải trung tâm Thành phố và công viên cây xanh, hình thành một số nút giao thông hiện đại.
Cũng trong 4 năm liên tiếp, 2021-2024, Thành phố đã liên tục thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Về văn hóa - xã hội - môi trường
Dòng vốn đầu tư công được Thành phố sử dụng một cách hiệu quả, bởi lẽ nó không chỉ giải quyết được vấn đề tồn đọng của kinh tế, mà lĩnh vực văn hóa - xã hội - môi trường cũng được tập trung giải quyết triệt để. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2023, tổng nguồn lực tập trung cho giáo dục và đào tạo được tăng cường, với trên dưới 20 nghìn tỷ đồng, gấp xấp xỉ 6 lần giai đoạn 2011-2015.
Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cũng được Thành phố đầu tư. Tổng mức đầu tư cho y tế giai đoạn 2016-2023 đạt 19.609 tỷ đồng, gấp 1,77 lần giai đoạn 2011-2015 (11.041,25 tỷ đồng).
Cũng trong giai đoạn này, Thành phố đã triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước nhằm quản lý lâu dài tài nguyên nước ngọt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra các khu, cụm công nghiệp riêng; Phát triển nhiều công trình công cộng, như: các công viên xanh, trồng nhiều cây xanh đô thị. Nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn được chú trọng. Triển khai các chương trình bảo vệ và tăng tỷ lệ che phủ của rừng (rừng phòng hộ, rừng chắn sóng).
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Có thể nói, 2016-2023 là một thời kỳ thành công của TP. Hải Phòng. Trong bối cảnh “thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều” của cả thế giới nói chung cũng như đất nước nói riêng, Hải Phòng vẫn đổi mới từng ngày. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, theo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Sở Tài chính TP. Hải Phòng, dự kiến thu nội địa năm 2023 ước đạt 42.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn chi đầu tư công hụt so với mức do HĐND Thành phố đã giao là 689 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhiệm vụ, chương trình có tiến độ giải ngân chậm, như: xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án gặp nhiều khó khăn. Việc giải ngân vốn nước ngoài đang rất vướng ở nhiều khâu.
Do đó, trong 2 năm cuối cùng (2024-2025) của Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Hải Phòng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần hoàn thành Kế hoạch, sớm đưa Hải Phòng nâng cao vị thế trong bức tranh kinh tế cả nước. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả xin được nêu ra một số khuyến nghị như sau:
(1) Xây dựng các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giải ngân đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư chuẩn bị sẵn các hồ sơ, chứng từ để kịp thời giải ngân khi nguồn vốn được phép giải ngân hoặc phân bổ thêm để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công tại các đơn vị, địa phương.
(2) Công khai quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển hồ sơ, chứng từ chi NSNN qua cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc.
(3) Tăng cường thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển;
(4) Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…
TS. NGUYỄN THỊ THU HÀ, PHẠM VŨ HÙNG,
TRẦN MINH ANH, HỒ THỊ HỒNG, ĐỖ THANH HÀ
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2012-2023), Niên giám Thống kê TP. Hải Phòng các năm, từ năm 2011 đến năm 2022, Nxb Thống kê.
2. Đào Bá Khiêm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (2017), Đầu tư công từ NSNN tại TP. Hải Phòng giai đoạn 2011-2015 và những gợi ý chính sách, Tạp chí Kinh tế phát triển, số 235.
3. HĐND TP. Hải Phòng (2016), Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
4. HĐND TP. Hải Phòng (2021), Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.
5. Sở Tài chính TP. Hải Phòng (2023), Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
6. Thành ủy Hải Phòng (2020), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XV, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.
7. UBND TP. Hải Phòng (2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh TP.Hải Phòng 5 năm 2021-2025.
Bình luận