Thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023: Kết quả và những tồn tại, hạn chế
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Vốn NSNN năm 2023 được bố trí bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn |
Ước thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN 13 tháng năm 2023 là 661.705,031 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN 13 tháng năm 2023 là 661.705,031 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (91,42%); về số tuyệt đối, cao hơn khoảng 132 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước là 646.072,161 tỷ đồng (đạt 94,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn nước ngoài là 15.632,87 tỷ đồng (đạt 53,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 88.998,4 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 13 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên trung bình của cả nước (cao hơn 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn 38 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 13 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước.
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân cao như: Bộ Giao thông vận tải (91.097,261 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (21.840,608 tỷ đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (8.805,362 tỷ đồng); Thành phố Hà Nội (54.232,761 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (47.956,718 tỷ đồng), Thành phố Hải Phòng (20.686,039 tỷ đồng), Bình Dương (19.144,420 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (15.111 tỷ đồng), Hưng Yên (13.561,354 tỷ đồng), Quảng Ninh (12.671,733 tỷ đồng), Bắc Giang (11.129,023 tỷ đồng); Vĩnh Phúc (11.099,508 tỷ đồng).
Tính theo phân cấp đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của các địa phương cao hơn các bộ, cơ quan trung ương, trong đó nổi bật là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 bình quân cả vùng lần lượt là 120,3% và 105,1%.
Đến hết ngày 31/12/2023, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 107.317,78 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84,1% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (127.593,72 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 88.899,78 tỷ đồng, đạt 92,2% và vốn ngân sách địa phương là 18.418 tỷ đồng, đạt 59%. Như vậy, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 12 tháng của cả nước.
Thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023: Nhiều điểm sáng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, rình tự, thủ tục quản lý đầu tư công được tiếp tục đơn giản hóa gắn liền với việc đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm giám sát chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực, trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo căn cứ pháp lý triển khai đầu tư công như: Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Đấu thầu sửa đổi, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương.
Một số chính sách về đầu tư như: sử dụng NSĐP để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật; mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.
Riêng đối với các CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Trung ương đã ban hành 109 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện các CTMTQG, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Tại địa phương, các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản đã ban hành do tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ quy định tiếp tục tăng cường phân cấp cho các địa phương chủ động quyết định một số nội dung để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của vùng, miền.
Trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023 triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 Nghị quyết, 01 Chỉ thị, 06 Công điện, văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông; 05 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 07 Công điện, 13 văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân,…
Vốn NSNN năm 2023 được bố trí bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.
Trong năm 2023, đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như: 09 dự án đường cao tốc (Bao gồm: Mai Sơn - QL45; Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; QL45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Tuyên Quang – Phú Thọ; Mỹ Thuận – Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2) dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km; 03 dự án đường bộ (L32C Phú Thọ, QL.31 Bắc Giang, Mở rộng QL.1 Bình Định); 02 dự án đường sắt; khởi công nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm (12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, 03 cao tốc trục Đông – Tây, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận, Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn, cầu Đại Ngãi, Hòa Liên – Túy Loan; khởi công nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành…).
Các dự án cao tốc được sớm đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, du lịch, tạo động lực, không gian phát triển mới cho các địa phương.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư theo quy định, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo định kỳ hàng tháng, thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công từng bước được tăng cường, hằng tháng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước đều tổ chức đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và người đứng đầu, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai kế hoạch được tốt hơn.
Điều đáng lưu ý là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập các Tổ công tác (tổ công tác đặc biệt) thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, cắt giảm kế hoạch vốn các dự án không có khả năng hoàn thành khối lượng theo chỉ tiêu đặt ra, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Các thành viên Tổ công tác đặc biệt theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án và quyết liệt, chủ động, kịp thời tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục liên quan thuộc lĩnh vực phân công theo dõi.
Đối với các CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác kiểm tra, giám sát; theo dõi sát sao tiến độ giao kế hoạch vốn, giải ngân của các địa phương được tăng cường; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng xử lý; sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện, làm rõ một số nội dung theo đề nghị của địa phương. Công tác phối hợp triển khai giữa các Tổ công tác, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao. Các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần, các cơ quan ở trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, các đoàn công tác, tổ công tác, tổ chuyên gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiểm tra, đôn đốc nắm bắt tình hình và hướng dẫn thực hiện các chương trình. Các địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, có mô hình phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện các cấp tại các địa phương được triển khai thường xuyên, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chủ động có phương án xử lý theo thẩm quyền những vướng mắc, bất cập, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn.
Một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải tập trung xử lý.
Thứ nhất, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo yêu cầu của , Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Đến hết niên độ NSNN năm 2023, số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ chi tiết là 19.326,095 tỷ đồng (chiếm 2,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối NSĐP (12.103,704 tỷ đồng). Vẫn còn tình trạng các các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất trả lại kế hoạch: Tại Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 01/11/2023, Chính phủ đã tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của 17 bộ và 04 địa phương với số vốn là 5.201,476 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đạt 93%, thấp hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ (95%). Trong khicó 12 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương đã phấn đấu, nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn còn 38 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 13 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước, đặc biệt có 08 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%: Ủy ban dân tộc; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ hai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, rừng vẫn là điểm nghẽn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn, nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, điển hình như các dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Vạn Ninh – Cam Lộ, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột ; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ; các dự án xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu; còn tình trạng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tại một dự án tăng cao so với chủ trương đầu tư được phê duyệt...
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng mất rất nhiều thời gian, cá biệt có nhiều dự án mất khoảng 1-2 năm để thực hiện thủ tục chuyển đổi này, nên dẫn đến giải ngân vốn đầu tư châm.
Thứ ba, tình trạng thiếu đất, cát và nguyên nhiên vật liệu thi công ảnh hướng tới tiến độ thực hiện và giải ngân công trình
Thủ tục cấp phép mỏ, nâng công suất khai thác mỏ cơ bản vẫn phải qua các bước như cũ, chưa rút ngắn và giảm bớt thủ tục theo cơ chế đặc thù của Chính phủ đã ban hành; một số địa phương giá vật liệu rất cao so với đơn giá trong Công bố giá địa phương; một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nguồn cung cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông.
Thứ tư, công tác xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhiều do trong thực tiễn thực hiện các chương trình vẫn còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập chưa được quy định đầy đủ. Các cơ quan chủ chương trình còn chậm trong việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Một số văn bản sửa đổi, bổ sung quy định và hướng dẫn được ban hành cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc, tuy nhiên, một số văn bản trả lời kiến nghị của một số bộ, cơ quan vẫn còn chưa thực sự rõ ràng dẫn đến việc thực hiện gặp khó khăn.
Thứ năm, giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan tới việc gia hạn Hiệp định, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, xin ý kiến nhà tài trợ; vướng mắc liên quan tới giữa các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá vật tư, thiết bị của nhà tài trợ và pháp luật Việt Nam...
Thứ sáu, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Những tồn tại, hạn chế do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vương mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tìm bãi đổ thải trong quá trình thi công; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Phạm vi và lĩnh vực của 03 CTMTQG khá rộng, số lượng văn bản hướng dẫn lớn đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, trong khi cán bộ làm công tác CTMTQG từ trung ương tới địa phương hạn chế về số lượng, còn kiêm; năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế, nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện các chương trình./.
Bình luận