Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải từ trên trời cho đến nhà ga và cả các tuyến đường bộ kết nối xung quanh.

Báo cáo về tình hình hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, công suất khai thác hiện nay của sân bay đã vượt quá quy hoạch 25 triệu lượt hành khách/năm và dự báo năm 2016 sẽ lên tới con số 31 triệu lượt. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải từ trên trời cho đến nhà ga và cả các tuyến đường bộ kết nối xung quanh.

Dù Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tăng năng lực điều hành tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, nên chưa thể giải quyết được tình trạng quá tải hiện nay.

Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 51 vị trí đỗ tàu bay nhưng trong một số khung giờ, rất nhiều chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào do quá tải.

Thậm chí, nhiều chuyến bay phải bay vòng, chờ trên bầu trời từ 15 – 60 phút và có thời gian cao điểm lên đến 8-9 chuyến bay phải bay chờ.

Trước tình trạng này, từ ngày 15/8/2016, Cục Hàng không Việt Nam phải quyết định giảm còn 38-40 chuyến đáp xuống sân bay so với khoảng 42 chuyến như trước trong khung giờ cao điểm.

Để giải quyết tình thế trong thời gian Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chuẩn bị được triển khai đầu tư (nhanh nhất đến năm 2025 mới có thể hoàn thành), việc nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là giải pháp hiệu quả nhất và cần thiết trong giai đoạn trước mắt.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng khu đất quốc phòng phía Tây Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (khoảng 21 ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài nhà ga lưỡng dụng đã có trong quy hoạch, thống nhất với Bộ Quốc phòng nghiên cứu quy hoạch thêm các nhà ga khoảng 10 - 20 triệu hành khách/năm và 01 Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.

Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà ga hành khách lưỡng dụng đã có trong quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để đầu tư cải tạo, mở rộng sân đỗ tàu bay và đầu tư mở rộng đường lăn.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn bay, cả dân sự và quân sự; tổ chức khai thác có hiệu quả để hạn chế tình trạng máy bay phải bay chờ lâu. Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Quốc phòng quy hoạch lại đường bay trên không. Bộ Quốc phòng cần tính toán điều chỉnh các hoạt động bay quân sự cho phù hợp, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đáp ứng được yếu tố quốc phòng.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lại hệ thống giao thông kết nối vào sân bay để hạn chế tình trạng ùn tắc; sớm thực hiện đầu tư tuyến đường mới vào sân bay và các nút giao thông khác mức.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan đề xuất việc hỗ trợ vốn nhà nước thực hiện các dự án nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (nếu có), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.