11 tháng năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD
Báo cáo vừa mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%.
Trong 11 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD).
Tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng ngày 22/10/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, con số xuất siêu của cả nước là một kỷ lục và có 2 nguyên nhân cơ bản đó là: Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19, cùng với đó là việc xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.
Trước đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Để thúc đẩy xuất khẩu tháng cuối năm, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực xuất - nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp./.
Bình luận