So với kết quả điều tra năm 2015, thì tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức năm 2016 đã tăng từ 28% lên 31%. Trong khi đó, nhóm không chi thêm chi phí ngoài quy định chỉ tăng thêm 1 điểm % so với năm 2015.

Báo cáo còn cho thấy có 44% doanh nghiệp trả lời không bị phân biệt đối xử khi không đưa chi phí chính thức cho hải quan, 17% nhận thấy rõ bị phân biệt và 39% doanh nghiệp không biết.

So với năm 2015, kết quả doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử do không chi phí lót tay cho doanh nghiệp đã có diễn biến tích cực. Đáng kể nhất là tỷ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử đã giảm mạnh từ 31% (2015) xuống còn 17% (2016). Tuy nhiên, đây vẫn là “điểm nghẽn” của đại đa số doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu.

Chi phí không chính thức vẫn là "điểm nghẽn" của đại đa số doanh nghiệp xuất khẩu

Trong trường hợp bị phân biệt đối xử, 79% doanh nghiệp cho biết họ bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục. Kế đến là bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật (41%). Cũng có 24% doanh nghiệp cho biết thái độ không văn minh, lịch sự của công chức hải quan. 14% gặp những phân biệt đối xử khác, như cố tình kiếm sai sót của doanh nghiệp, không hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp…

Theo báo cáo, năm 2016, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành cũng được các doanh nghiệp đánh giá vẫn là khó và rất khó. Trong đó ngành văn hóa đứng đầu bảng về kiểm tra chuyên ngành (59%), tiếp đến là kiểm tra ngành y tế (40%) và kiểm dịch động vật (36%). Một số lĩnh vực khác có trên 20% doanh nghiệp đánh giá là khó/rất khó, bao gồm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (29%) và kiểm tra chất lượng (25%).

Đáng lưu ý, 81% doanh nghiệp cho rằng, thời gian kiểm tra theo quy định kiểm tra chuyên ngành còn quá dài. 72% doanh nghiệp cho biết việc chia sẻ thông tin kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt, do vậy doanh nghiệp lại mất thêm thời gian để chờ đợi.

Những quy định pháp luật còn nhiều phức tạp, nên vẫn còn tới 47% doanh nghiệp cho biết họ từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu pháp luật hải quan. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với con số 54% của năm 2015.

Phân theo nguồn vốn, nhóm doanh nghiệp FDI có tỷ lệ gặp vướng mắc giảm mạnh nhất, từ 60% năm 2015 xuống còn 51% năm 2016. Kế đến là các doanh nghiệp dân doanh, với tỷ lệ gặp vướng mắc năm 2016 chỉ là 43% (năm 2015 là 50%). Tỷ lệ DNNN có gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin pháp luật hải quan giảm nhẹ, từ 57% (2015) còn 56% (2016).

Mức độ hài lòng với kết quả phản hồi từ các cơ quan có sự khác nhau rõ rệt. Với các cục hải quan địa phương, 85% doanh nghiệp hài lòng/hoàn toàn hài lòng với kết quả giải đáp. Đối với Tổng cục Hải quan, tỷ lệ hài lòng là 76%.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nói trên, vẫn khá nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan hải quan cần trả lời cụ thể, rõ ràng hơn để doanh nghiệp hiểu và thực hiện./.

Báo cáo "Đánh giá cải cách Thủ tục hành chính Hải quan, mức độ hài lòng của DN năm 2016” của VCCI được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của 1.035 doanh nghiệp tới từ cả 3 thành phần kinh tế, trong đó khu vực dân doanh đông nhất, chiếm 60,2% tổng số phản hồi; doanh nghiệp FDI là 31,4% và các doanh nghiệp nhà nước là 8,4%.