5.000 nhà đầu tư đánh giá thế nào về chất lượng dịch vụ chứng khoán?
5.000 nhà đầu tư đánh giá về chất lượng dịch vụ chứng khoán
Lần đầu tiên, 5.000 nhà đầu tư chứng khoán cùng tham gia 1 cuộc khảo sát của IDG thông qua phỏng vấn hoặc tương tác trên nền tảng trực tuyến về nghề nghiệp, độ tuổi, tài sản đầu tư và đặc biệt là về 14 chỉ số đánh giá sự hài lòng của nhà đầu tư với dịch vụ chứng khoán. Kết quả cho thấy những con số rất thú vị.
| |
Dịch vụ tư vấn thông tin chuyên sâu của các công ty chứng khoán đạt được 72,08% điểm hài lòng của khách hàng |
Về tài sản đầu tư, 61,1% trong số 5.000 nhà đầu tư được khảo sát cho biết, họ đầu tư trong khoảng từ 10 triệu - 50 triệu đồng vào chứng khoán. Tỷ trọng đầu tư từ 50 - 500 triệu đồng vào chứng khoán chiếm 22,3%, còn tỷ trọng bỏ trên 500 triệu đồng vào đầu tư chứng khoán chỉ có 4%. Những người làm trong doanh nghiệp hoặc nhân viên văn phòng chiếm đa số, với tổng cộng 93%. Số học sinh, sinh viên, hưu trí, nội trợ… chỉ chiếm phần còn lại trong những nhà đầu tư được khảo sát. Độ tuổi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư chứng khoán là 22-30 với 38%; độ tuổi đứng thứ hai từ 31-40 chiếm 35%.
Đánh giá về chất lượng dịch vụ, khảo sát 5.000 nhà đầu tư chứng khoán của IDG cho biết, chỉ tiêu đạt sự hài lòng cao nhất là về phần mềm giao dịch, truy cập nhanh của các công ty chứng khoán, chiếm 81% người đồng thuận. Chỉ tiêu cao thứ hai là mở tài khoản tiện lợi, chiếm 79,5%. Thái độ của nhân viên môi giới đứng thứ tư, với 78,79% nhà đầu tư hài lòng. Trong khi đó, trong các chỉ tiêu đứng cuối về sự hài lòng của nhà đầu tư có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số (69%); phí lưu ký (70,5%). Mức độ sáng tạo sản phẩm, dịch vụ cũng chỉ đạt được 72,33% điểm hài lòng của nhà đầu tư, còn dịch vụ tư vấn thông tin chuyên sâu của các công ty chứng khoán đạt được 72,08% điểm hài lòng của khách hàng…
| |
Khảo sát 5.000 nhà đầu tư chứng khoán của IDG, thực hiện từ 10/4/2021-23/5/2021 |
Bối cảnh thị trường buộc các công ty phải thay đổi
Dẫn câu chuyện TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng với vị trí TOP 2 toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2021, ông Lê Thanh Tâm đặt câu hỏi đầu tiên về hoạt động chuyển đổi số, quản trị hệ thống của các công ty chứng khoán đang diễn ra như thế nào và đây có phải là yếu tố quan trọng, tạo nên sự bứt phá của TTCK Việt Nam hay không. Câu trả lời từ ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cho biết, đại dịch diễn ra từ năm 2020, đến nay vẫn rất phức tạp. Nền kinh tế buộc phải thay đổi để phù hợp với tình hình, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Ngành chứng khoán cũng trong bối cảnh đó, có những giải pháp vượt qua.
Diễn giả tại đầu cầu Hà Nội chia sẻ về chuyển đổi số ngành chứng khoán |
Bối cảnh thị trường buộc các công ty chứng khoán phải thay đổi. Thứ nhất, nhiều công ty đã tái cấu trúc lại hoạt động, quản trị rủi ro chặt chẽ, nâng cao chất lượng nhân sự, cải tiến bộ máy tinh, gọn, phù hợp với tình hình mới. Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh nghiên cứu, sản phẩm mới, mở rộng cơ hội đầu tư cho khách hàng, yếu tố này góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường, ghi dấu ấn lần đầu tiên Việt Nam có những phiên giao dịch 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Theo khảo sát của IDG, 73% nhà đầu tư hiện nay chỉ đầu tư chứng khoán dưới 50 triệu đồng. Với số tiền này, rõ ràng, nhà đầu tư cần đơn vị lô giao dịch nhỏ lại, để giúp họ linh hoạt chọn lựa đầu tư, đa dạng hóa danh mục và quản trị rủi ro tốt hơn. |
Thứ ba là nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn, tăng cường giao dịch trực tuyến… Đây chính là yếu tố cốt lõi giúp ngành chứng khoán không bị gián đoạn giao dịch, mọi hoạt động đảm bảo thông suốt ngay cả khi nền kinh tế phải thực thi chỉ đạo của Chính phủ về giãn cách xã hội.
Thứ tư, ông Kỳ cho biết, nhiều công ty chủ động thu xếp, mở rộng nguồn vốn, đảm bảo hoạt động cung cấp margin cho các nhà đầu tư, trên cơ sở đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu giao dịch cho khách hàng. Một nỗ lực đáng ghi nhận nữa là nhiều công ty đã miễn giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư, tạo nên sự chia sẻ và gắn kết hơn trong bối cảnh đại dịch.
Theo ông Kỳ, những nỗ lực từ chính các công ty chứng khoán đã góp phần quan trọng tạo nên thành tích cho TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chuyển đổi số trong ngành chứng khoán cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên là chi phí chuyển đổi số quá lớn so với năng lực tài chính của nhiều công ty. Thứ hai là nguồn nhân lực. “Để chuyển đổi số thành công, phải có tiền và nhân sự giỏi. Đây là thách thức các công ty phải vượt qua”, ông Kỳ nói.
Tại Việt Nam, các công ty chứng khoán đã làm gì để giải quyết 2 khó khăn trên? Theo ông Kỳ, nhiều công ty đã gia tăng nguồn vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, thu hút nguồn trong và ngoài nước. Đồng thời cũng tìm cách thu hút nhân sự IT chất lượng cao. Vì thế, đến thời điểm này chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán diễn ra khá đều tay, các công ty đều có thể thực hiện giao dịch trực tuyến, các hoạt động thanh toán sau giao dịch đều trực tuyến.
Cũng theo ông Kỳ, các công ty đang tiếp cận và thực hiện tốt yêu cầu nâng cấp công nghệ của UBCK và Sở GDCK, nhất là trong giai đoạn xử lý nghẽn mạng vừa qua trên sàn HOSE. Nhiều công ty đã triển khai phần mềm có nhiều tính năng hỗ trợ cho nhà đầu tư quản lý tài khoản của mình, cũng như cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư. “Sự hài lòng, tuy chưa tuyệt đối của nhà đầu tư về nỗ lực đổi mới công nghệ thông tin, cung cấp các tiện ích giao dịch, thanh toán trên nền tảng số của các công ty chứng khoán, được ghi nhận qua khảo sát của IDG cho thấy, công ty chứng khoán đã làm được những việc rất hữu ích cho TTCK Việt Nam, giúp thị trường tạo thế ổn định, giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia thị trường”, ông Kỳ đánh giá.
Thực tế đã cho thấy, chuyển đổi số không chỉ làm thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Để đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đòi hỏi chuyển đổi số phải nhanh hơn, các công ty chứng khoán phải có kế hoạch chi tiết, cân đối về tài lực và nhân lực, tạo thế và lực vững vàng. Theo ông Kỳ, các công ty cần phối hợp chặt chẽ với 2 Sở, để giữ an toàn hệ thống, an toàn thị trường để thị trường hoạt động thông suốt trong mọi hoàn cảnh. Trong tình hình hiện nay, công nghệ, chuyển đổi số cần tiếp tục nâng tầm, mới có thể xử lý tốt hoạt động của thị trường.
Cải tiến và cần cải tiến mạnh hơn
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam đánh giá, TTCK hiện nay khác hơn xưa rất nhiều. Tất cả giao dịch trên điện thoại. Có nhiều sự hài lòng nhưng cũng có nhiều sự cần tiếp tục cải tiến, để làm hài lòng khách hàng.
|
Theo ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay, công ty nào không chuyển đổi số, không có app thuận tiện phục vụ khách hàng thì không thể tồn tại. “Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của ngành dịch vụ chứng khoán và trong quá trình này, sự tốn kém về tài chính, nhân sự là đương nhiên, muốn tồn tại và cạnh tranh phải đầu tư, nâng cao năng lực”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, điều đáng mừng nhất là người Việt Nam, sau nhiều năm vận hành TTCK, đã dần làm chủ được công nghệ kết nối mọi hoạt động trên sàn. Việc FPT xây dựng thành công hệ thống giao dịch cho sàn HNX và mới đây là sàn HOSE, được ông Thắng đánh giá là thành công của ngành chứng khoán. Ở cấp CTCK, công nghệ tại nhiều công ty cũng do chính doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, giúp nhà đầu tư mở tài khoản Online, giao dịch Online rất thuận lợi. Xu thế này thuận với thực tế người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh tăng lên nhiều, khiến tiềm năng thị trường tương lai còn rất lớn.
Tuy nhiên, với tư cách là một nhà đầu tư, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam cho rằng, còn nhiều việc cần cải tổ. “Về phía nhà quản lý, quy định tiền giao dịch về tài khoản người bán theo chu kỳ T+3 là quá lạc hậu, cần sớm thay đổi. Nếu không thể T+0 thì phải T+1, bởi mọi việc đều xử lý rất nhanh trên nền tảng số”, ông Thắng nói. Cùng với đó, ông cho rằng, nhà quản lý cần nhanh chóng đưa lô giao dịch về thấp hơn mức 100 cổ phiếu như hiện nay, bởi về kỹ thuật, khi hệ thống sàn HOSE nâng cấp, việc này có thể xử lý ngay được. Còn về thực lực nhà đầu tư, khảo sát của IDG đã cho thấy, 73% nhà đầu tư hiện nay chỉ đầu tư chứng khoán dưới 50 triệu đồng. Với số tiền này, rõ ràng, nhà đầu tư cần đơn vị lô giao dịch nhỏ lại, để giúp họ linh hoạt chọn lựa đầu tư, đa dạng hóa danh mục và quản trị rủi ro tốt hơn, so với cách để đơn vị lô to, mua 1 khoản là hết tiền.
Về phía công ty chứng khoán, ông Thắng chia sẻ trải nghiệm thực tế đã sử dụng nhiều ứng dụng của nhiều CTCK. Phần lớn các ứng dụng này là thuận tiện cho người giao dịch, nhưng cái thiếu là cung cấp thêm thông tin, tư vấn cho nhà đầu tư.
“Ví dụ, khi tôi quan tâm đến các mã cụ thể, liên kết giữa app với các thông tin cụ thể là không có. Phần lớn là phải thoát khỏi app, tìm trên google. Nhà đầu tư cũng cần thông tin tư vấn để trấn an thị trường nữa. TTCK rất nhạy cảm, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tâm lý nhà đầu tư. 2 ngày gần đây, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do quá lo ngại về đại dịch, TTCK mất ngay mấy chục tỷ USD vốn hóa. App mới cho giao dịch chứ chưa có thông tin loại này”, ông nói.
App của CTCK, theo đó nên bổ sung các khuyến cáo, các giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư. “CTCK nếu chọn khách hàng làm trung tâm, nên hoàn thiện App, tích hợp thông tin phục vụ nhà đầu tư, đặc biệt là link thông tin về các mã cổ phiếu”, ông Thắng chia sẻ. Dẫn kết quả khảo sát của IDG cho biết, đánh giá của nhà đầu tư cũng đã thể hiện rất rõ sự hài lòng về mức độ tư vấn, liên kết thông tin của công ty chứng khoán còn yếu. Chuyển đổi số cho phép các công ty chứng khoán bổ sung được các tính năng này, để hỗ trợ nhà đầu tư tốt hơn.
Một khuyến nghị nữa từ ông Thắng, đó là việc giao dịch chứng khoán liên quan đến tiền, vì thế an toàn cần đặt lên hàng đầu và phải đi trước các tiện ích. Nếu bất cứ chỗ nào không giữ được an toàn thì sẽ vừa mất khách, vừa mất chính mình./.
Bình luận