Tác động của năng lực kỹ thuật số đối với hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Long Trâm Anh
Email: anhnlt@vhu.edu.vn
ThS. Nguyễn Hà Thanh Bình
Trường Đại học Văn Hiến
Tóm tắt
Nghiên cứu này xem xét tác động của năng lực kỹ thuật số đối với hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Năng lực kỹ thuật số có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới và Năng lực hấp thụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện Năng lực hấp thụ có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chứng minh vai trò trung gian của Năng lực hấp thụ trong mối quan hệ giữa Năng lực kỹ thuật số và Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
Từ khóa: năng lực kỹ thuật số, hiệu quả đổi mới, năng lực hấp thụ
Summary
This study examines the impact of digital capabilities on the innovation performance of travel agencies in Ho Chi Minh City. The results show that digital capabilities positively impact the enterprise's innovation performance and absorptive capacity. The study also found that absorptive capacity positively impacts the innovation performance of the enterprise. In addition, the study also demonstrates the mediating role of absorptive capacity in the relationship between digital capabilities and the innovation performance of the enterprise.
Keywords: digital capabilities, innovation performance, absorptive capacity
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời đại 4.0, tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ đã thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các hệ thống mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số và tích hợp các yếu tố công nghệ vào các hoạt động của mình. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cải thiện sự linh hoạt, tăng cường sự tương tác và gia tăng hiệu quả quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, sự phát triển của công nghệ cũng tạo nên một số tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp như: sự phân mảnh dữ liệu, khó khăn trong việc tiêu chuẩn hóa hoạt động, chi phí cao và các rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin (Olli và cộng sự, 2022).
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để xem xét việc áp dụng chuyển đổi số trong việc nâng cao đổi mới của doanh nghiệp (Safinaz và cộng sự, 2023). Tuy nhiên, chưa có các nghiên cứu xem xét các yếu trung gian thúc đẩy mối quan hệ giữa năng lực kỹ thuật số và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là phân tích tác động của năng lực kỹ thuật số đối với hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh với vai trò trung gian của năng lực hấp thụ của doanh nghiệp.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Năng lực kỹ thuật số
Năng lực kỹ thuật số là năng lực của tổ chức trong việc sử dụng các công nghệ và quy trình kỹ thuật số để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình (Ulf và Emelie, 2024). Safinaz và cộng sự (2023) cho rằng, năng lực kỹ thuật số là tập hợp các kỹ năng, kiến thức, công cụ, quy trình và hành vi kỹ thuật số giúp tổ chức nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động. Năng lực kỹ thuật số không chỉ bao gồm những công nghệ hiện đại, mà còn đòi hỏi tổ chức phải có nguồn lao động đủ trình độ để sử dụng các công nghệ này. Năng lực kỹ thuật số giúp tổ chức thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu tốt hơn để đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm được cá nhân hóa hơn và hoạt động hiệu quả hơn (Ulf và Emelie, 2024). Năng lực kỹ thuật số cũng là yếu tố chính cho sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp. Năng lực kỹ thuật số cho phép các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, khám phá các mô hình kinh doanh mới và thâm nhập các thị trường mới (Olli và cộng sự, 2022). Năng lực kỹ thuật số của doanh nghiệp bao gồm các khía cạnh:
- Chiến lược kỹ thuật số: Năng lực phát triển và thực hiện chiến lược kỹ thuật số toàn diện và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
- Trình độ kỹ thuật số: Năng lực sử dụng hiệu quả các công nghệ kỹ thuật số như máy tính, thiết bị di động và các ứng dụng nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Tiếp thị kỹ thuật số: Năng lực sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông kỹ thuật số như mạng xã hội, email và quảng cáo trực tuyến để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
- Cơ sở hạ tầng công nghệ: Năng lực quản lý và duy trì hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như hệ thống mạng, máy chủ và lưu trữ đám mây.
- An ninh mạng: Năng lực quản lý và giảm thiểu rủi ro an ninh mạng một cách hiệu quả để bảo vệ tài sản kỹ thuật số và dữ liệu của doanh nghiệp.
- Phân tích dữ liệu: Năng lực thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu một cách hiệu quả để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định của doanh nghiệp.
Năng lực hấp thụ
Năng lực hấp thụ là khả năng của doanh nghiệp trong việc nhận biết, tiếp thu và thương mại hóa giá trị của các tri thức bên ngoài (Wisnu, 2021; Vuong và Nguyen, 2024). Năng lực hấp thụ của tổ chức bao gồm các khía cạnh:
- Năng lực đạt được tri thức từ bên ngoài: Khả năng của tổ chức trong việc tìm kiếm, nhận dạng và đạt được tri thức từ bên ngoài.
- Năng lực tiếp thu tri thức: Khả năng của tổ chức trong việc hiểu và hấp thụ tri thức bên ngoài.
- Năng lực phổ biến tri thức bên trong tổ chức: Năng lực của tổ chức trong việc kết hợp tri thức hiện tại với tri thức mới đạt được.
- Năng lực phân tích và áp dụng tri thức: Năng lực của tổ chức trong việc sử dụng tri thức nhằm tạo ra giá trị cho tổ chức.
Hiệu quả đổi mới
Hiệu quả đổi mới là mức độ một tổ chức sử dụng hiệu quả các quy trình đổi mới để gia tăng lợi nhuận và đạt được lợi thế cạnh tranh (Raquel và cộng sự, 2022). Hiệu quả đổi mới là thước đo thể hiện mức độ một tổ chức kết hợp sự đổi mới vào các kế hoạch chiến lược của mình để phát triển các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao hơn (Juliana và cộng sự, 2018). Hiệu quả đổi mới có tác động trực tiếp đến khả năng của tổ chức trong việc đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực và nâng cao hiệu quả tổng thể của tổ chức. Hiệu quả đổi mới bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, sự sẵn sàng thay đổi và khả năng tài chính của tổ chức (Meixia và Huiping, 2024).
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Năng lực đổi mới được xem là động lực chính thúc đẩy hiệu quả đổi mới, giúp tổ chức sử dụng các nguồn lực để biến đổi kiến thức thành kết quả đổi mới (Olli và cộng sự, 2022). Các tổ chức ưu tiên và đầu tư vào các hoạt động đổi mới có nhiều khả năng thành công hơn trên thị trường và đạt được lợi thế cạnh tranh. Việc cải thiện hiệu quả đổi mới sẽ thúc đẩy mối quan hệ của tổ chức đối với khách hàng và tạo ra các kết quả tài chính tích cực cho tổ chức (Lourdes và cộng sự, 2018).
Các công nghệ kỹ thuật số đã thúc đẩy sự đổi mới trong các tổ chức thông qua việc thay đổi cơ cấu tổ chức, sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội và nền tảng điện tử để tương tác với người tiêu dùng, tạo ra các kênh bán hàng và các hình thức kinh doanh mới cho tổ chức (Ulf và Emelie, 2024). Quá trình đổi mới của tổ chức phụ thuộc vào các hệ thống công nghệ kỹ thuật số trong việc quản trị tri thức và tăng cường kết nối các yếu tố bên trong và bên ngoài của tổ chức. Khi các công nghệ kỹ thuật số nhanh chóng trở thành yếu tố cốt lõi trong hoạt động đổi mới của tổ chức, các tổ chức cần phát triển năng lực trong việc khai thác các công nghệ này để kết hợp chúng vào quá trình hoạt động của tổ chức, từ đó tạo ra các giá trị và lợi thế cạnh tranh mới cho tổ chức. Sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ kỹ thuật số đã làm cho năng lực hấp thụ của tổ chức trở thành một yếu tố quan trọng, vì tổ chức cần có khả năng theo kịp các tiến bộ công nghệ và tích hợp chúng vào quá trình quản lý và hoạt động của mình (Olli và cộng sự, 2022). Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số giúp thúc đẩy quá trình học tập và năng lực hấp thụ của tổ chức (Safinaz và cộng sự, 2023). Sự hiểu biết rõ ràng về công nghệ kỹ thuật số và khả năng áp dụng hiệu quả các công nghệ sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới của tổ chức. Bên cạnh đó, xu hướng số hóa và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh cũng thúc đẩy tổ chức cải thiện năng lực hấp thụ của mình để thay đổi các quy trình và mô hình kinh doanh hiện có (Raquel và cộng sự, 2022). Khả năng của tổ chức trong việc hấp thụ kiến thức bên ngoài trở thành yếu tố cần thiết cho hiệu quả đổi mới của tổ chức (Lee và Chen, 2019).
Từ lý luận trên, nhóm tác giả đề xuất các giả thuyết như sau:
H1: Năng lực kỹ thuật số có tác động tích cực đến Năng lực hấp thụ của doanh nghiệp.
H2: Năng lực kỹ thuật số có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
H3: Năng lực hấp thụ có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
H4: Năng lực hấp thụ đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa Năng lực kỹ thuật số và Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
Mô hình nghiên cứu được xây dựng tại Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu có mục đích từ tháng 3/2024 đến tháng 6/2024. Nhóm tác giả khảo sát 347 nhà quản lý của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh.
Thang đo nghiên cứu Năng lực kỹ thuật số (KTS) được sử dụng của Safinaz và cộng sự (2023), Năng lực hấp thụ (HT) được sử dụng của Meixia và Huiping (2024) và Hiệu quả đổi mới (ĐM) được lấy từ nghiên cứu của Raquel và cộng sự (2022). Nghiên cứu sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả nghiên cứu tại Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo dao động từ 0.811 đến 0.894. Như vậy, các thang đo được sử dụng là đáng tin cậy.
Bảng 1: Phân tích độ tin cậy thang đo
Nguồn: Kết quả xử lý từ dữ liệu điều tra
Bảng 2: Kết quả đánh giá mô hình đo lường
Nguồn: Kết quả xử lý từ dữ liệu điều tra
Kết quả nghiên cứu ở Bảng 2 cho thấy, hệ số tải của các nhân tố nằm trong khoảng từ 0.72 đến 0.91 và đều lớn hơn 0.5. Chỉ số AVE nằm trong khoảng từ 0.714 đến 0.812, cao hơn ngưỡng 0.5 (Hair và cộng sự, 2017). Chỉ số VIF nằm trong khoảng từ 1.823 đến 2.146, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 5 (Hair và cộng sự, 2017). Độ tin cậy tổng hợp (CR) nằm trong khoảng từ 0.861 đến 0.914 > 0.700 và không vượt quá ngưỡng 0.95 (Hair và cộng sự, 2017).
Bảng 3: Hệ số kiểm định giá trị phân biệt
Nguồn: Kết quả xử lý từ dữ liệu điều tra
Bảng 3 cho thấy, các biến tạo được giá trị phân biệt so với các biến còn lại. Các giá trị in đậm tại đường chéo đều lớn hơn các giá trị của các biến khác theo chiều dọc cũng như chiều ngang, kết quả này cũng đáp ứng tiêu chuẩn của Hair và cộng sự (2017).
Kết quả nghiên cứu ở Bảng 4 chỉ ra rằng, giả thuyết H1 được chấp nhận với mức độ tác động là β = 0.51 tại p = 0.001. Như vậy, Năng lực kỹ thuật số có tác động tích cực đến Năng lực hấp thụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giả thuyết H2 được chấp nhận tại p = 0.002 với mức độ tác động là β = 0.78. Điều này khẳng định rằng, Năng lực kỹ thuật số có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp. Ngoài ra, giả thuyết H3 cũng được chấp nhận tại p = 0.026 với hệ số tác động β = 0.49. Kết quả này cho thấy, Năng lực hấp thụ có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp. Cuối cùng, giả thuyết H4 cũng được chấp nhận tại p = 0.001 với hệ số tác động β = 0.35. Điều này khẳng định, Năng lực hấp thụ đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa Năng lực kỹ thuật số và Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
Bảng 4: Kết quả kiểm định giả thuyết
Nguồn: Kết quả xử lý từ dữ liệu điều tra
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, Năng lực kỹ thuật số có tác động tích cực đến Năng lực hấp thụ và Hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện Năng lực hấp thụ có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chứng minh vai trò trung gian của Năng lực hấp thụ trong mối quan hệ giữa Năng lực kỹ thuật số và Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
Để gia tăng năng lực kỹ thuật số nhằm cải thiện hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
- Xây dựng và thực hiện chiến lược kỹ thuật số: Khi xây dựng chiến lược kỹ thuật số, doanh nghiệp cần đánh giá các công nghệ kỹ thuật số hiện tại mà doanh nghiệp đang sử dụng và xem xét các lựa chọn khác có thể mang lại các lợi ích mới cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế sự lãng phí khi đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số không phù hợp và mang lại hiệu quả thấp.
- Khuyến khích sự hợp tác của nhân viên trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số: Doanh nghiệp lữ hành cần truyền đạt cho đội ngũ lao động về tầm quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển của tổ chức và của chính người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cải thiện khả năng kỹ thuật số của đội ngũ lao động thông qua việc ưu tiên tuyển dụng nguồn lao động có năng lực công nghệ tốt. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp cần liên tục tham khảo ý kiến và phản hồi của các lao động có khả năng công nghệ cao.
- Thường xuyên tổ chức đào tạo cho đội ngũ lao động về các ứng dụng công nghệ mới: Việc tổ chức đào tạo cho cho đội ngũ lao động về các ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp nâng cao hiệu quả làm việc. Doanh nghiệp cần tập trung hỗ trợ các lao động lớn tuổi, vì đây là đối tượng gặp rất nhiều khó khăn trong sử dụng các công nghệ mới.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ của các công ty tư vấn chuyển đổi số bên ngoài để nâng cao năng lực kỹ thuật số và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tổ chức.
Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định, Năng lực hấp thụ có tác động tích cực đến Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu còn cho thấy vai trò trung gian của Năng lực hấp thụ trong mối quan hệ giữa Năng lực kỹ thuật số và Hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh. Để cải thiện năng lực hấp thụ, từ đó thúc đẩy hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp cần:
- Xây dựng văn hóa hợp tác trong doanh nghiệp: Các thành viên trong tổ chức cần có tinh thần sẵn sàng chia sẻ thông tin, kiến thức với nhau. Điều này sẽ giúp cho các thành viên ở các phòng ban khác nhau có thêm hiểu biết về những kiến thức bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, những nhân viên trẻ tuổi sẽ được học hỏi kinh nghiệm từ những nhân viên lâu năm. Ngược lại, những nhân viên trẻ tuổi có thể hỗ trợ những nhân viên lâu năm trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.
- Thúc đẩy sự giao tiếp cởi mở trong doanh nghiệp: Sự giao tiếp cởi mở sẽ phát triển khả năng của doanh nghiệp trong việc tiếp thu và tích hợp các kiến thức mới vào quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tổ chức các buổi gặp gỡ và các hoạt động tập thể cho các thành viên trong các bộ phận khác nhau của doanh nghiệp để tăng cường mức độ giao tiếp trong doanh nghiệp.
- Đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển: Các hoạt động nghiên cứu và phát triển hiệu quả sẽ hỗ trợ cho các thành viên của doanh nghiệp trong việc học hỏi và áp dụng các kiến thức bên ngoài.
- Tăng cường khen thưởng đối với những đơn vị và cá nhân có thành tích tốt trong việc áp dụng hiệu quả các sáng kiến đổi mới. Doanh nghiệp có thể tổ chức các cuộc thi nhằm thúc đẩy tinh thần học tập và đổi mới giữa các phòng ban trong doanh nghiệp./.
Tài liệu tham khảo
1. Hair, Jr. J. F., Hult, G. T. M., Ringle, C. M., and Sarstedt, M. (2017), A primer on partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM) (2th ed.), USA: Sage Publications.
2. Juliana, C. N. C., Shirlei, M. C., Ana, M. M. T., Simone, R. D. (2018), The role of marketing capabilities, absorptive capacity, and innovation performance, Marketing Intelligence and Planning, 36(4), 410–424.3. Lee, J., Chen, C. (2019), The Moderator of Innovation Culture and the Mediator of Realized Absorptive Capacity in Enhancing Organizations’ Absorptive Capacity for SPI Success, Journal of Global Information Management, 27(4), 70–90.
4. Lourdes, S. B., David, P. M., Miguel, A. M. C. (2018), The knowledge absorptive capacity to improve the cooperation and innovation in the firm, Journal of Industrial Engineering and Management, 11(2), 290–290.
5. Meixia, W., Huiping, W. (2024), Retraction Note: knowledge search and innovation performance: the mediating role of absorptive capacity, Operations Management Research, 15, 1060–1070.
6. Min, X., Francis, B., Yu, X. (2019), The Penetration of Green Innovation on Firm Performance: Effects of Absorptive Capacity and Managerial Environmental Concern, Sustainability, 11(9), 2455–2455.
7. Olli, V., Anna, K., Kent, E. (2022), Digitalization, innovation capabilities and absorptive capacity in the Swedish real estate ecosystem, Facilities, 40, 89–106
8. Raquel, C. A., Thiago, C. S., Gisele, M., Sandro, V. S. (2022), Influence of intellectual capital and individual absorptive capacity on innovation performance, Revista de Administracao Da Ufsm, 15(2), 270–289.
9. Safinaz, H. A., Reem, M. M., Mohammad, A. S. (2023), Role of Absorptive Capacity, Digital Capability, Agility, and Resilience in Supply Chain Innovation Performance, Sustainability, 15(4).
10. Ulf, B., Emelie, J. (2024), From digital competence to digital capacity, Digital Kompetanse, 19(1), 39–51.
11. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.
12. Wisnu, Y. (2021), Empirical analysis of intellectual capital, potential absorptive capacity, realized absorptive capacity and cultural intelligence on innovation, Management Science Letters, 11(4), 1399–1406.
Ngày nhận bài: 21/10/2024; Ngày phản biện: 01/12/2024; Ngày duyệt đăng: 23/12/2024 |
Bình luận