6 bài học từ việc ứng phó của doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Việt Nam
Ngày 9/11, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.
Bìa báo cáo“Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”. |
Báo cáo cho biết, mỗi doanh nghiệp có kinh nghiệm khác nhau khi ứng phó với dịch Covid-19. Mặc dù vậy, vẫn có những điểm tương đồng có thể rút ra 6 bài học kinh nghiệm.
Một là, gần như các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh phi truyền thống (online, đối với công ty dịch vụ du lịch, thì thay vì bán tại điểm chuyển sang bán qua mạng). Đồng nghĩa với điều đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Hai là, qua các thông tin từ khảo sát và phỏng vấn sâu, đa phần các doanh nghiệp đều có quan điểm chung coi nhân sự là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, các doanh nghiệp đều tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần, cũng như cố gắng duy trì thu nhập cho người lao động nhằm giữ chân nguồn nhân lực. Doanh nghiệp đồng hành, thích nghi với sự thay đổi về tâm lý của nhân viên, chú trọng chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội cho nhân viên và các chính sách bồi dưỡng, đào tạo năng lực cho nhân viên, góp phần tạo nên nền tảng văn hóa doanh nghiệp với giá trị cốt lõi là con người.
Ba là, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, bởi đây được coi là "dòng máu", nguồn sinh lực nuôi sống doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực dồi dào với các mức dự trữ tiền, tài sản đủ lớn phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp, để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, tham gia vào các dự án mới hoặc ít nhất là có thể duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng khoảng.
Để hạn chế phần nào những tổn thất có thể xảy ra, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khi vốn kinh doanh nói chung và vốn lưu động nói riêng bị hao hụt, doanh nghiệp có thể có ngay nguồn bù đắp, đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục.
Các nhà quản lý cần thực hiện tốt công tác quản lý chi phí. Để tạo kết quả kinh doanh tốt thì cần quản lý tốt chi phí của doanh nghiệp, giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí tài chính… Trong đợt đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phát sinh chi phí lớn trong khi không tạo ra doanh thu, điều này dẫn đến lợi nhuận âm khiến doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động để bảo toàn vốn. Vì vậy, để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác quản lý chi phí và thường xuyên soát xét các khoản chi phí để sử dụng vốn một cách hiệu quả.
Doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát các khoản nợ xấu để tiến hành thu hồi nhằm tránh ứ đọng vốn. Cần có các chính sách quản lý các khoản phải thu để hạn chế tối đa lượng vốn bị chiếm dụng.
Trường hợp những khách hàng mua lẻ với khối lượng nhỏ, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chính sách “mua đứt bán đoạn”, không để nợ hoặc chỉ cung cấp chiết khấu ở mức thấp với những khách hàng nhỏ, nhưng thường xuyên.
Với những khách hàng lớn, trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cần phân loại khách hàng, tìm hiểu kỹ về khả năng thanh toán của họ. Hợp đồng luôn phải quy định chặt chẽ về thời gian, phương thức thanh toán và hình thức phạt khi vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó, cần liên tục soát xét các khoản mà doanh nghiệp nợ đối tác như các nhà cung cấp để tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần quản lý tốt hàng tồn kho, giảm thiểu chi phí lưu kho. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không có khách hàng hoặc lượng khách hàng rất ít. Điều này khiến doanh thu giảm, lượng hàng tồn kho tăng, dẫn đến chi phí lưu kho tăng vọt làm thất thoát vốn. Doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp như: Mua bảo hiểm hàng hóa đối với những hàng hóa đang đi đường, cũng như hàng hóa nằm trong kho; trích lập quỹ dự phòng giảm giá hàng bán tồn kho.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sự biến động của thị trường hàng hóa. Từ đó dự đoán và quyết định điều chỉnh kịp thời việc nhập khẩu và lượng hàng hóa trong kho trước sự biến động của thị trường. Đây là biện pháp rất quan trọng để bảo toàn vốn của doanh nghiệp trước những biến động của nền kinh tế.
Bốn là, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với đặc điểm là tính linh hoạt cao, nhưng sức chống chịu kém. Khi gặp khủng hoảng, thường chưa có chiến lược ứng phó và quản trị rủi ro. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng Chiến lược ứng phó với khủng hoảng ở tầm quốc gia, định hướng cho doanh nghiệp những việc cần làm ngay và hành động ưu tiên nhằm tiết kiệm nguồn lực và tăng tính hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp hỗ trợ nhằm tăng sức sống và khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.
Năm là, mỗi doanh nghiệp khác nhau, có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy có một số tiêu chí chung để đánh giá một doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng, đó là: Doanh nghiệp không bị ngừng hoạt động; lợi nhuận tăng; tìm kiếm được khách hàng mới; năng suất lao động tăng; áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sáu là, các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp do nữ làm chủ thường chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi của họ trong thời kỳ khủng hoảng./.
Bình luận