Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn, bài học kinh nghiệm, tỉnh Bình Dương

Summary

Small and medium-sized enterprises (SMEs) play an increasingly important role in the country's economic development process by creating jobs, generating revenue for the state budget, and promoting economic growth. However, these businesses always face the challenge of mobilizing capital to finance their activities. The article briefly reviews capital mobilization activities for SMEs in countries around the world, thereby recommending lessons for Vietnamese SMEs in general and in Binh Duong province in particular in accessing and mobilizing capital.

Keywords: small and medium enterprises, access to capital, lessons learned, Binh Duong province

GIỚI THIỆU

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm khoảng 97%. Những năm qua, khu vực DNNVV đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các doanh nghiệp này đã tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Mặc dù vậy, quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% trong tổng số DNNVV [8]. Chính bởi quy mô nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, nên hoạt động của khu vực doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, như: khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa…

Tại tỉnh Bình Dương, mặc dù các cấp chính quyền của Tỉnh đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các DNNVV, như: hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp kinh doanh để nâng cao năng lực kinh doanh, hỗ trợ tư vấn pháp lý, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, cũng như các DNNVV trên cả nước, những “nút thắt” về nguồn vốn đang được hầu hết các doanh nghiệp mong đợi. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các hoạt động huy động vốn hỗ trợ các DNNVV tại một số quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, từ đó đưa ra một số bài học kinh nghiệm là cấp thiết.

HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ CÁC DNNVV Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Nhật Bản

Nhật Bản được mệnh danh là “Vương quốc của các doanh nghiệp”, các DNNVV ở Nhật Bản chiếm đến 99,7% trên tổng số các doanh nghiệp hiện có (tương đương với khoảng 4,21 triệu doanh nghiệp), các DNNVV ở Nhật Bản đã góp phần sử dụng 70% lực lượng lao động của cả nước, tạo ra khoảng 50% giá trị trong các ngành sản xuất. Có được thành tựu này là nhờ Chính phủ Nhật Bản luôn duy trì các chính sách hỗ trợ vốn tích cực cho các DNNVV, như: các doanh nghiệp này được vay trực tiếp các khoản vay thông qua các ngân hàng thương mại với các gói vay ưu đãi dài hạn không có lãi suất hoặc lãi suất rất thấp, nhằm trợ lực cho các doanh nghiệp có cơ hội nâng cao khả năng đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến các hoạt động kinh doanh [6].

Đồng thời, Chính phủ cho phép các khoản vay không cần thế chấp. Theo đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng tiến hành cho vay theo hình thức tín chấp hoặc thông qua đánh giá phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ Nhật Bản ủy nhiệm Ngân hàng Hợp tác xã Công Thương Nhật Bản đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ các DNNVV đang hoạt động yếu kém với những khoản vay tín chấp lớn để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, hay như các doanh nghiệp mới thành lập có thể được vay các khoản vay không cần thế chấp tài sản bảo đảm với khoản vay tối đa lên đến khoảng 10 triệu Yên.

Như vậy, có thể nói rằng, với các chính sách hỗ trợ đặc biệt này, Nhật Bản đã tạo hành lang pháp lý an toàn, giảm nhẹ các rủi ro về tín dụng cho các DNNVV, góp phần làm giảm đáng kể việc phá sản của các DNNVV.

Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khối DNNVV đáng kể và ổn định. Tại Hàn Quốc số lượng DNNVV chiếm khoảng 99,9% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 102,9 triệu USD từ việc xuất khẩu và giải quyết được việc làm cho hơn 87,7% trên tổng dân số đang ở độ tuổi lao động [6].

Để hỗ trợ cho các hoạt động thương mại, giao dịch hàng hóa của các DNNVV, đầu tiên phải kể đến Đạo luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường sửa đổi, bổ sung năm 2011. Với Đạo luật này, những DNNVV hoạt động trong một số ngành nghề công nghiệp sẽ có được nhiều lợi thế hơn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Cụ thể là, đối với các dự án xây dựng của quốc gia, DNNVV sẽ được ưu tiên ký kết các hợp đồng mua bán nguyên liệu, vật tư liên quan đến các dự án này nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng hàng hóa, sản phẩm (Điều 4, Đạo luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, sửa đổi, bổ sung năm 2011). Đối với các sản phẩm công nghệ do các DNNVV là chủ sản xuất, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ thông qua việc chỉ định một số tổ chức, cơ quan sẽ ưu tiên mua hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ do các DNNVV sản xuất. Chủ tịch Cơ quan quản lý DNNVV (SMBA) chịu trách nhiệm yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất thực hiện việc mua hàng hóa từ các DNNVV. Các DNNVV chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với các tổ chức công cộng, các doanh nghiệp lớn do luật chỉ định, đảm bảo chất lượng hàng hóa được yêu cầu trong các văn bản pháp luật và trong hợp đồng (Chương 3, Đạo Luật về hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, sửa đổi, bổ sung năm 2011) [5].

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích cho các DNNVV nâng cao vị thế kinh doanh với kỳ vọng các doanh nghiệp này trở thành các vệ tinh cho các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia tại Hàn Quốc. Các DNNVV sẽ là các doanh nghiệp hậu cần, cung cấp các sản phẩm hoặc bán thành phẩm cho các tổng công ty/tập đoàn lớn, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ tài chính điển hình, như: hệ thống bảo lãnh tín dụng (trực thuộc ngân hàng Trung ương) và các tổ chức tài chính khác (trực thuộc Chính phủ), các chính sách hỗ trợ về thuế. Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các ngân hàng phải dành ra ít nhất 35% toàn bộ vốn huy động cho vay để dành cho các DNNVV vay vốn. Riêng đối với các ngân hàng nước ngoài và tổ chức bảo hiểm, thì tỷ lệ bắt buộc này là 25%. Còn các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ đóng vai trò tạo điều kiện cho các DNNVV vay với mức lãi suất ưu đãi dưới sự bảo trợ của Chính phủ. Có thể nói, hệ thống bảo lãnh tín dụng của Hàn Quốc được thành lập và chia ra thành 3 kênh chính thức bao gồm: Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc; Quỹ tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (do các địa phương quản lý). Bên cạnh đó, các DNNVV có thể được huy động vốn thông qua thị trường tài chính, như: phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi từ Quỹ quản lý vốn vay theo luật quản lý quỹ công cộng… Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn có hệ thống thanh tra hợp nhất, thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại cung ứng tín dụng ra thị trường và mua bán các khoản nợ xấu của ngân hàng [4].

Đài Loan

Trước hết, lãnh thổ Đài Loan đã có ý thức rất rõ về vai trò của DNNVV đối với động lực phát triển kinh tế và vấn đề giải quyết việc làm. Tuy chỉ có trên 23 triệu dân, nhưng Đài Loan có tới 1,4 triệu DNNVV, trong đó có khoảng 1 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngay từ năm 1972, chính quyền Đài Loan đã nhận thức và có quyết tâm mãnh liệt để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Họ coi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế, nên họ dồn lực để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính quyền đã có chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng doanh nghiệp theo chu kỳ phát triển: doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đang phát triển, doanh nghiệp đạt ngưỡng, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình để có chính sách hỗ trợ riêng. Đến nay, Đài Loan thực sự có một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá hoàn thiện và thu hút đông đảo các startup không chỉ ở Đài Loan mà cả các nước trên thế giới. Đó là thể chế, các cơ quan chính quyền hỗ trợ, các viện, trường đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của các hiệp hội, các trung tâm thực nghiệm, thí nghiệm, các doanh nghiệp lớn… hỗ trợ cho các nhóm cá nhân khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, Chính quyền đã hỗ trợ một phần kinh phí để khởi nghiệp, như: kinh phí đào tạo, kinh phí ươm tạo doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, thiết kế bao bì nhãn mác, logo, văn phòng làm việc… Tất cả các trường đại học, các viện nghiên cứu, các hiệp hội đều có trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ như Viện Kỹ thuật công nghiệp Đài Loan, kinh phí hoạt động của họ đến từ Chính quyền đặt hàng khoảng 50%, 30% do DNNVV đặt hàng, 20% kinh phí do Chính phủ hỗ trợ thông qua Viện. Số doanh nghiệp được phục vụ năm 2017 là 17.939 doanh nghiệp, ủy quyền kỹ thuật là 614 doanh nghiệp, ươm tạo 273 doanh nghiệp, trong đó khởi nghiệp sáng tạo 136 doanh nghiệp [7].

Cùng với đó, các cấp Chính quyền Đài Loan đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho các DNNVV thông qua việc các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này, cũng như áp dụng nhiều chính sách tài khóa khác, như: chính sách điều chỉnh lãi suất, các quy định tỷ lệ cấp vốn tín dụng cho các DNNVV được tăng lên theo hằng năm. Ngân hàng Trung ương Đài Loan yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thành lập phòng tín dụng dành cho các DNNVV, tạo điều kiện cho họ tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, để thiết lập quan hệ dài hạn giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, Chính quyền Đài Loan đã khởi xướng một dự án đặc biệt với tiêu đề “Ngân hàng địa phương tăng vốn vay cho các DNNVV” với mục tiêu ban đầu là các ngân hàng thương mại trong nước phải cấp tín dụng và giải ngân số vốn lên đến 6,24 tỷ USD cho các DNNVV (Nguyễn Thế Bính, 2013). Đồng thời, kết quả hoạt động hỗ trợ cho các DNNVV của từng ngân hàng sẽ được đánh giá làm cơ sở để đưa ra những phần thưởng tương ứng cho các ngân hàng.

Ngoài ra, Chính quyền Đài Loan thành lập Trung tâm hướng dẫn và hỗ trợ nhằm hỗ trợ cho các DNNVV tiếp cận được các nguồn tài chính và các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, phối hợp với các tổ chức tài chính, ngân hàng giải quyết các khó khăn về cung cấp tín dụng, hỗ trợ đào tạo quản lý tài chính cho các DNNVV. Đồng thời, Trung tâm còn có các chương trình đào tạo miễn phí cho các DNNVV nhằm cải thiện hệ thống kế toán, tăng cường phân tích tài chính, quản lý các kế hoạch kinh doanh, đẩy nhanh thu hồi vốn…

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TIẾP CẬN VỐN CHO CÁC DNNVV TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG

Tình hình phát phát triển DNNVV tại tỉnh Bình Dương

Từ năm 2015 đến năm 2021, số lượng DNNVV trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng bình quân gần 18%/năm (trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). Hàng năm, các DNNVV trên địa bàn Tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 15.000 đến 20.000 lao động. Các DNNVV tỉnh Bình Dương phần lớn tập trung vào các ngành công nghiệp mang tính gia công, phụ trợ, như: công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (17%); may mặc (11,3%); chế biến sản phẩm kim loại (13,7%); phi kim loại, như: gốm sứ, hóa chất, cao su (10,8%); chế biến thực phẩm và đồ uống (8,5%) và các ngành thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ khác (33,7%)... Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên số lượng DNNVV bị giải thể hoặc tạm dừng hoạt động lại tăng dần đều qua các năm, tăng mạnh nhất là vào các năm 2019, 2020 và 2021 (Bảng). Mặc dù số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động chiếm tỷ trọng thấp hơn so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, nhưng đây là dấu hiệu không tốt, thể hiện sự thiếu bền vững trong quá trình hoạt động của các DNNVV trên địa bàn Tỉnh.

Bảng: Số lượng DNNVV tỉnh Bình Dương

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Đang hoạt động

14.283

20.673

25.782

31.023

37.204

40.662

44.028

Đăng ký mới

3.211

4.757

5.542

6.540

3.924

4.120

4.738

Giải thể, tạm dừng hoạt động

187

241

301

358

466

754

905

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Bước sang năm 2022, 2023, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương gặp khó khăn về tìm kiếm đơn hàng, thị trường xuất khẩu. Việc này khiến không ít doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ… gặp khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay đã gây không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Phạm Văn Xô - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô, hiện lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại đang duy trì lãi suất khá cao, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn, phải gồng gánh để vượt qua “cơn bão” suy thóai để duy trì sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn do lãi suất cao khiến các doanh nghiệp chùn bước, rút gọn sản xuất; trong đó, có doanh nghiệp phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động [1].

Một số gợi ý để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV tại tỉnh Bình Dương

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, tác giả đề xuất một số gợi ý giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV tỉnh Bình Dương như sau:

Thứ nhất, đối với Chính quyền tỉnh Bình Dương

Cùng với các chính sách chung của Trung ương, cần ban hành trong thẩm quyền các chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại đơn giản hóa các thủ tục về cho vay vốn, cấp vốn, đổi mới trong các dịch vụ của ngân hàng dựa trên tài sản cho vay, tài sản cố định, tài sản cho thuê tài chính...

Định kỳ, cần tổ chức các lớp tập huấn về tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn ưu đãi thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông, cũng như phổ biến kiến thức quản lý tài chính, kế toán, để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đúng các chuẩn mực kế toán, minh bạch hóa thông tin tài chính trên báo cáo tài chính…, tạo điều kiện minh bạch để các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có thông tin khi cho vay vốn, tài trợ vốn, xem xét cho vay…

Tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Tỉnh, mở rộng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng hệ thống các tổ chức tài chính phục vụ cho nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, thành lập những tổ chức tài chính dựa trên các chính sách ưu đãi của Chính phủ để cấp vốn cho các DNNVV. Ngoài ra, có thể xây dựng và hỗ trợ đặc thù cho từng nhóm ngành, nghề để qua đó vừa giải ngân nguồn vốn từ các tổ chức cho vay, tài trợ vốn cho các DNNVV mà vẫn đáp ứng điều kiện vay và sự an toàn của các khoản vay.

Thứ hai, đối với các DNNVV

Chủ động các nguồn vốn cho kinh doanh, tự hoàn thiện và phát triển dựa trên năng lực tài chính của chính mình, tiếp đến mới tranh thủ sự giúp đỡ về vốn ưu đãi từ Chính phủ, các tổ chức phi tài chính. Đồng thời, các DNNVV cần có chiến lược kinh doanh dài hạn để từ đó xây dựng kế hoạch hằng năm giúp chủ động nguồn vốn vay trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Tự hoàn thiện công tác kế toán, minh bạch báo cáo tài chính để làm căn cứ cho việc lập hồ sơ vay vốn thuận lợi hơn.

Các chủ DNNVV cũng cần tham gia các chương trình học chuyên sâu, các khóa ngắn hạn về tài chính, kế toán và kinh doanh. Thường xuyên đổi mới, cập nhật các văn bản luật của Nhà nước để nắm bắt được những chính sách ưu đãi về vay, tài trợ vốn của các tổ chức theo từng thời kỳ, giữ gìn mối quan hệ với các tổ chức tài chính, tổ chức tài trợ vốn để nắm bắt kịp thời các chính sách cho vay, tài trợ về vốn. Nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều thay đổi, dẫn dắt doanh nghiệp có khả năng thích ứng với thị trường nhiều biến động như giai đoạn hiện nay./.

TS. Nguyễn Hồng Thu - Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Chí Cường (2023), Doanh nghiệp Bình Dương vẫn đối diện với nhiều khó khăn, truy cập từ https://nhipsongkinhdoanh.vn/doanh-nghiep-binh-duong-van-doi-dien-voi-nhieu-kho-khan-post3107132.html.

2. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2016-2020), Niên giám Thống kê Bình Dương năm 2020, Nxb Thống kê.

3. Nguyễn Thế Bính (2013), Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 12(22), 21-29.

4. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2016), Pháp luật hỗ trợ DNNVV của Hàn Quốc và một số kiến nghị tham khảo, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 6(32).

5. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2020), Pháp luật hỗ trợ DNNVV ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 19.

6. Phạm Thái Hà (2018), Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/chinh-sach-tai-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-136553.html.

7. Trần Quốc Khánh (2023), Hỗ trợ phát triển lực lượng DNNVV ở Đài Loan - Bài học cho Nghệ An, truy cập từ https://khxhnvnghean.gov.vn/?chitiet=2920&h%E1%BB%97-tro-phat-trien-luc-luong-doanh-nghiep-vua-va-nh%E1%BB%8F-o-dai-loan--bai-hoc-cho-nghe-an.html.

8. Vũ Long (2023), DNNVV đóng góp lớn cho nền kinh tế, truy cập từ https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nho-va-vua-dong-gop-lon-cho-nen-kinh-te-1024647.ldo.


[*] Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một trong Đề tài mã số NNC.21.3.001.