9 tháng năm 2020, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,12%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Từ đầu năm đến nay (ngày 29/9/2020), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân làm mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm. Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7%-4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0%-7,1%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực phổ biến ở mức 5,0%/năm.
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp
Trước đó, tại buổi họp báo vào ngày 22/9 của Ngân hàng Nhà nước về thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III năm 2020, đối với công tác điều hành tín dụng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, bám sát diễn biến dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng vay vốn; chỉ đạo tổ chức tín dụng đơn giản thủ tục, điều kiện cho vay, tiết giảm tối đa chi phí… để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ dựa trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tiền tệ, nhu cầu vốn của tổ chức tín dụng và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch COVID-19…
Để hỗ trợ các khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.
Với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng./.
Bình luận