Đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành…

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các thành viên Chính phủ, các đại biểu dự họp; giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong những ngày tới.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt kết quả quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước

Thủ tướng nhấn mạnh bài học: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Nguồn: VGP

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ lớn: (1) Tập trung tháo gỡ về pháp lý; (2) Triển khai 3 đột phá chiến lược (gồm thể chế; hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao); (3) Chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV; (4) Chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan tới giáo dục, y tế, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, khai giảng năm học mới, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực y tế; (5) Đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, ứng phó thiên tai để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói, bị rét; (6) Kiện toàn nhân sự các thành viên Chính phủ; (7) Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho; (8) Xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, mục tiêu lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cơ bản đạt được; có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2024 trong bối cảnh khó khăn. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên, mở ra những cơ hội mới trong phát triển đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng: Phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; luôn bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công nhiệm vụ, giao việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết công việc với tinh thần: Đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt kết quả quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ... Nguồn: VGP

Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Về đầu tư, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực xã hội.

Về xuất khẩu, duy trì, khai thác hiệu quả các thị trường lớn, truyền thống và xúc tiến mạnh mẽ các thị trường mới, giàu tiềm năng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu…

Về tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện, ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới. Đây là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề liên quan giá đất, các vướng mắc liên quan tới triển khai Luật Đất đai. Khẩn trương thành lập Tổ công tác thúc đẩy việc tổ chức thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về Đề án 153 (liên quan việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố) do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Tổ trưởng.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không phù hợp để sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ phù hợp, kịp thời, cụ thể.

Chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; Bộ Công Thương chủ động điều hành bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng. Các cơ quan chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không giật cục.

Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; khai thác dư địa chính sách tài khóa, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong đầu tư các dự án lớn, các ngành, lĩnh vực quan trọng. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, doanh nghiệp, dự án, ngân hàng yếu kém.

Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tập trung cho đột phá về đầu tư công, phát huy tinh thần triển khai đường dây 500 kV mạch 3. Bộ Giao thông vận tải tập trung thúc đẩy 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và báo cáo cấp có thẩm quyền về đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, một số tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.../.