Nhà văn Lương Thực Thu từng nói: “Một người nói chuyện lớn giọng, là bản năng; nói chuyện nhỏ giọng, là văn minh”. Kiểm soát âm lượng là thể hiện sự tôn trọng người khác, cũng là sự tu dưỡng của chính mình.

1. Lớn giọng không phải là sức mạnh

Trên các trang mạng từng đưa ra một chủ đề bàn luận: “Âm thanh mà bạn không thể chịu được nhất là gì?” Có người trả lời: “Chỉ cần ai nói chuyện lớn tiếng là tôi đều không muốn nghe, bởi vì tôi thấy sợ. Người khác vừa cất tiếng, tôi vô thức đã muốn bỏ trốn, bởi vì trong đầu tôi toàn là hình ảnh mẹ lớn tiếng la mắng tôi từ nhỏ đến lớn. Tôi từng nghi ngờ mẹ không thương mình, thậm chí ghét bỏ mình, nếu không thì tại sao luôn lớn tiếng với tôi?”

Âm lượng và cảm xúc có quan hệ trực tiếp với nhau, khi âm lượng bỗng nhiên thay đổi, đa phần đều là đã xảy ra chuyện gì khiến người ta không vui.

“Thùng rỗng thường kêu to”, có người cảm thấy nói chuyện hung hăng lớn tiếng thì người khác mới nghe theo, họ cũng mới cảm thấy vừa lòng. Thực ra không phải, loại người miệng hùm gan sứa mới hay dùng âm lượng để che giấu sự tự ti của mình.

2. Âm lượng nói chuyện cũng thể hiện nội tâm của bạn

Âm lượng nói chuyện phản ánh nội tâm của bạn, nói năng nhỏ nhẹ, càng thể hiện được sức mạnh dịu dàng.

Nói chuyện lớn giọng ở nơi công cộng, tán dóc chuyện riêng ồn ào, là biểu hiện không tôn trọng người khác, không chỉ làm phiền người khác, đồng thời còn ảnh hưởng đến bầu không khí giao tiếp.

Ở nơi công sở nói chuyện to tiếng, làm ảnh hưởng đến sự nghiêm túc, làm giảm hiệu suất công việc, còn làm cho đồng nghiệp cảm thấy bạn là người ngả ngớn, thiếu trầm ổn, làm việc không chắc chắn.

Nói chuyện to tiếng với bạn bè hoặc người thân, dễ gây ra hiểu lầm về thái độ, ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên.

Người ôn hòa lương thiện, trước giờ nói chuyện không nhanh không chậm, thong dong thoải mái. Giọng và âm lượng phản ánh nội tâm của bạn, nói năng nhẹ nhàng tựa mưa thuận gió hòa, tưới nhuần những lạnh lẽo của thế gian.

3. Âm lượng của bạn thể hiện sự hàm dưỡng

Paul Fussel nói trong cuốn “Style” viết: “Vợ chồng ngài Blue thường la hét nhau, âm thanh xuyên qua những căn phòng; còn nhà ngài White thì kiểm soát được âm lượng của mình, có lúc còn nói quá nhỏ không nghe thấy được.” Ngài Blue và ngài White ở đây là công nhân (áo màu xanh lam) và trí thức (áo màu trắng), Paul Fussel dùng âm lượng để phân tích sự khác biệt giữa hai giai tầng.

Âm lượng là một phần của quy ước xã giao, mà mục đích của quy ước xã giao là làm mọi người xung quanh đều cảm thấy thoải mái, đối xử với mọi người nhã nhặn, hạ giọng nói chuyện, chính là điểm mấu chốt trong hành vi của người cao quý.

Có người nói: “Nếu như bạn cho rằng càng ngày càng lạnh nhạt nghĩa là đã trưởng thành, kỳ thực không phải vậy, trưởng thành là trở nên dịu dàng, đối xử dịu dàng với cả thế giới”. Âm lượng chính là sự tu dưỡng của bạn, giảm âm lượng xuống chính là sự dịu dàng của bản thân.