Australia mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam
Mở rộng hợp tác với Australia
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc bà Robyn Mudie có nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam và tin tưởng, với hiểu biết và kinh nghiệm của mình, Đại sứ sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Thời gian qua, quan hệ hai nước phát triển tích cực. Các cơ chế hợp tác phát huy tác dụng. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng... đều đạt nhiều kết quả tốt.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quan tâm thúc đẩy việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao thưòng niên; triển khai đều đặn và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là các cơ chế cấp Bộ trưởng mới được thiết lập; rà soát, tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2016-2019 và sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Robyn Mudie
Thủ tướng đánh giá cao hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, CPTPP, Tiểu Mekong... và mong muốn Australia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong quá trình Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Australia trong năm Chủ tịch 2020 để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Australia phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2018), Australia đã viện trợ cho nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các địa phương của Việt Nam, điển hình là dự án xây cầu Mỹ Thuận trị giá 90 triệu AUD; cầu Cao Lãnh trị giá 160 triệu AUD. Thủ tướng mong muốn Australia tiếp tục duy trì nguồn vốn này hỗ trợ Việt Nam.
Về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng bày tỏ chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng và trông đợi được gặp lại Thủ tướng Scott Morrison. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Ngoại giao hai nước đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho chuyến thăm này, đặc biệt vai trò của Đại sứ của hai nước.
Về phía mình, Đại sứ Robyn Mudie bày tỏ cảm ơn công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Australia với tình cảm nồng ấm, trọng thị của Việt Nam. Bà Đại sứ cho biết Australia rất coi trọng chuyến thăm này nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là thương mại và đầu tư.
Đại sứ Robyn Mudie thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison có nhiều doanh nghiệp hàng đầu, đại diện cho các lĩnh vực chủ chốt của Australia, có mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam gồm các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không, giáo dục… tháp tùng.
“Thủ tướng của chúng tôi mong chờ gặp Ngài để trao đổi sâu thêm về các nội dung mà hai bên quan tâm nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước”, Đại sứ nói và cho rằng sau chuyến thăm, sẽ có nhiều việc cần làm, “chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên”. Bên cạnh đó khi Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, lãnh đạo Australia sẽ vui mừng trở lại Việt Nam. Bà Đại sứ khẳng định Australia sẵn sàng sát cánh với Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Việt Nam - Nam Phi chia sẻ kinh nghiệm chống khủng bố
Chiều cùng ngày, Thủ tướng cũng có buổi tiếp bà Nosiviwe Noluthando Mapisa-Nqakula, Bộ trưởng Quốc phòng và Cựu Chiến binh Nam Phi thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nosiviwe Noluthando Mapisa-Nqakula vui mừng chia sẻ những ấn tượng trong chuyến thăm Việt Nam; đồng thời bày tỏ tin tưởng, qua chuyến thăm lần này, hai nước sẽ tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng.
Bộ trưởng cho biết, Nam Phi đang trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng và bày tỏ hy vọng trong chuyến thăm Việt Nam thời gian này, Đoàn có thể tiếp thu, học hỏi nhiều kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng tiếp bà Nosiviwe Noluthando Mapisa-Nqakula
Thông báo với Thủ tướng về kết quả tốt đẹp từ cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, bà Nosiviwe Noluthando Mapisa-Nqakula cho biết, hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà là tiềm năng của mỗi bên, trong đó, đặc biệt nghiên cứu hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chống khủng bố, kinh nghiệm tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong đó, Nam Phi trao đổi về kinh nghiệm xây dựng lực lượng quân y và công binh. Việt Nam – Nam Phi cũng nghiên cứu khả năng hỗ trợ nhau trong các nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đặc biệt là ở Nam Sudan và ở một số nước châu Phi. Hai bên cũng bàn thảo thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ.
Nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Nam Phi, quốc gia giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Nam Phi. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nam Phi trong các vấn đề của khu vực và thế giới cũng như tại các tổ chức quốc tế, cụ thể như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Nhóm G20 và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai Đề án “Phát triển quan hệ với các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025”, trong đó Nam Phi được coi là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi. Đặc biệt kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Nam Phi luôn dẫn đầu các nước châu Phi, đây được coi là điểm sáng trong quan hệ thực chất giữa Việt Nam với các nước khu vực.
Thủ tướng đánh giá cao việc hai bên duy trì cơ chế Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Nam Phi; qua đó, thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương, góp phần vào quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước... Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để quan hệ quốc phòng song phương phát triển thuận lợi, góp phần vào quan hệ “Đối tác vì hợp tác và phát triển” giữa Việt Nam và Nam Phi./.
Bình luận