“Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022” mới đây đã chính thức được công bố tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở lần 2 - thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2022 diễn ra tại Bình Dương. Báo cáo năm nay tiếp tục là cơ sở dữ liệu toàn diện, uy tín, khắc họa toàn cảnh hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam trong năm 2022.

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022: Khai mở vùng đất sáng tạo
“Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022” vừa chính thức được công bố tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo mở

Báo cáo được phát hành dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), thực hiện bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP.

Bức tranh Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam và thế giới

Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022, tính đến quý 2/2022, tổng lượng đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trên thế giới đạt 250,1 tỷ USD, chứng kiến mức giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng lúc đó tại Việt Nam, 494 triệu USD là tổng số vốn đầu tư được đổ vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong bảng xếp hạng mới nhất về ĐMST toàn cầu (GII) 2022 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO công bố, Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia và nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021. Về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư được rót ra đã giảm 17,9%, trong bối cảnh không chắc chắn khi thế giới đang đứng trước tương lai suy thoái.

Sau hơn hai năm đại dịch, cùng với bất ổn còn tiếp diễn từ cả khía cạnh kinh tế và chính trị từ những nền kinh tế lớn, khái niệm ‘the New Normal’ (Bình thường mới) đã được định hình rõ nét hơn và đó chính là ‘the VUCA Normal' (tạm dịch là Bình thường trong sự biến động) Vậy đâu sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp? Và làm thế nào có thể thúc đẩy chuyển đổi kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng cho một năm sắp tới?

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022: Khai mở vùng đất sáng tạo
Báo cáo được giới thiệu xuyên suốt nhiều Hội thảo, Diễn đàn trong khuôn khổ TECHFEST

Năm 2023 được nhận định có nhiều biến động khó lường diễn ra cùng một lúc, hay nói cách khác là “Cơn bão hoàn hảo” của kinh tế thế giới. Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc vận hành Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP trích nguồn Báo cáo khi trình bày trong Diễn đàn ĐMST mở lần 2 vừa qua cho hay, “4 ưu tiên hàng đầu (Business Priorities) mà các doanh nghiệp trên thế giới đã, đang và cần tập trung trong năm 2022 và những năm tiếp sau, nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung bao gồm: Biến đổi khí hậu & Giảm thiểu phát thải khí carbon; chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài; củng cố và tăng cường tính hiệu quả của chuỗi giá trị; chuyển đổi số và gia tăng hàm lượng công nghệ. Tốc độ và tính kiên định trong việc hành động sẽ xác định người chiến thắng trên thị trường, chiến thắng trước bối cảnh bất ổn của kinh tế giới.”

Chia sẻ về những đánh giá của mình về Báo cáo năm nay, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc và đồng sáng lập của Vui App by Nano Technologies cho biết: "Sở dĩ cụm từ 'mùa đông gọi vốn', đang lan truyền trong cộng đồng startup là do thời kỳ tiền rẻ đang dần chấm dứt. Việc gọi vốn hay các công tác định giá doanh nghiệp liên quan rất nhiều đến tình trạng thị trường. Hiện nay, tính thanh khoản trên thị trường cũng mất dần và các nhà đầu tư công nghệ đang có những bước cân nhắc. Startup đứng trước áp lực, một là tăng vọt về doanh thu, hai là phải lựa chọn hạ mức định giá. Dự kiến năm 2023 sẽ là một năm không dễ dàng với cả startup lẫn nhà đầu tư. Một trong những chuyển dịch đáng chú ý mà tôi đã nhìn ra từ Báo cáo của BambuUP năm nay, đó là các công ty B2C sẽ khó gọi vốn hơn B2B. Bởi vì việc hướng tới cụ thể nhóm người dùng cuối cùng khiến hàng hóa, sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi tính trung thành của khách hàng. Giữ chân khách hàng thì khó, chi phí tìm kiếm và thu hút thêm khách hàng ngày càng đắt đỏ”.

Đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam

Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái ĐMST mở tại Việt Nam theo mô hình APAR do BambuUP thực hiện, với cách tiếp cận theo các giai đoạn phát triển bao gồm: Giai đoạn nhận thức (Awareness Stage), Giai đoạn chuẩn bị (Preparation Stage), Giai đoạn tham gia (Association Stage) và kết quả ĐMST mở (Results). Năm nay, Báo cáo tập trung thu thập dữ liệu và đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái ĐMST mở thể hiện ở 3 giai đoạn đầu.

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022: Khai mở vùng đất sáng tạo
Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái ĐMST mở tại Việt Nam theo mô hình APAR do BambuUP thực hiện.

Đánh giá về Giai đoạn nhận thức của 3 chủ thể bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp. Báo cáo đưa ra một số nhận định đáng chú ý từ kết quả khảo sát. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, mức độ hiểu biết về ĐMST có khoảng cách lớn giữa các phòng, ban, cũng như giữa cấp chuyên viên và lãnh đạo; hoạt động đào tạo kiến thức và kỹ năng cần thiết về ĐMST & ĐMST mở cho đội ngũ cán bộ chưa có tính đồng nhất giữa các tỉnh, thành, nhận thức về vai trò cũng chưa được rõ ràng.

Đáng chú ý, khi đánh giá về nhóm doanh nghiệp, Báo cáo cho biết mức độ hiểu biết về ĐMST mở của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và nhân viên có sự khác biệt tương đối lớn. Cụ thể, 47% lãnh đạo có sự hiểu biết tương đối nhiều và hiểu biết rất rõ, tuy nhiên có tới 53% cán bộ cấp nhân viên không hiểu hoặc chỉ hiểu một phần. Ngoài ra, nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chưa thật sự tự tin về tầm quan trọng của mình trong hệ sinh thái ĐMST mở. Lợi ích thu được khi trở thành chủ thể tích cực trong hệ sinh thái ĐMST mở cũng được cho biết là chưa đủ thu hút với nhiều doanh nghiệp SMEs.

Về phía các công ty khởi nghiệp, 94% startup tự đánh giá mình là đơn vị cung cấp giải pháp cho hệ sinh thái. Các startup có nhận định rõ ràng về vai trò chính yếu nhất của mình trong hệ sinh thái ĐMST mở, chính là vai trò của Bên cung cấp giải pháp (providers). Tuy nhiên, mức độ lạc quan về lợi ích thu được từ việc hoạt động tích cực trong hệ sinh thái ĐMST mở của startup vẫn còn thấp hơn so với nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp SMEs.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh chia sẻ thêm, tại thời điểm hiện nay, hệ sinh thái ĐMST mở của Việt Nam chỉ mới ở những giai đoạn cơ bản ban đầu. Nhận thức chung chưa đồng đều và hoàn toàn chưa sâu. Trong thời gian tới, chúng ta cần làm thật tốt việc xây dựng, thúc đẩy nhận biết sâu rộng của các chủ thể, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh, thành và các doanh nghiệp về ĐMST mở, hệ sinh thái ĐMST mở để họ có thể phát huy tốt vai trò của mình trong hệ sinh thái này.

Sự chung tay từ các doanh nghiệp "bừng lửa" ĐMST

Một nội dung nổi bật của Báo cáo năm 2022 chính là cung cấp các câu chuyện ĐMST mở thực tế đến từ 3 lĩnh vực: ĐMST mở trong lĩnh vực công, ĐMST mở xã hội, ĐMST mở trong doanh nghiệp.

Chia sẻ cụ thể về câu chuyện ĐMST mở của doanh nghiệp đóng góp trong Báo cáo năm nay, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: “Rạng Đông đang có đến 3 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Đây là nơi hội tụ các vị tri thức, nhà khoa học. Giáo sư, tiến sĩ từ các viện, trường trong nước đến làm việc trong không gian của Công ty, ngoài ra còn thu hút được chuyên gia công nghệ từ các tập đoàn trong khu vực và trên thế giới. Quá trình ĐMST ở Rạng Đông là sự kết hợp của 2 nguồn lực: Lực lượng tinh hoa từ bên ngoài và tầng lớp lao động ngay trong nội bộ Công ty như: Công nhân hay kỹ sư làm việc trên dây chuyền, nhà máy với phương châm “nội lực là cơ bản và quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Trong lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, thì 35 năm trở lại đây, ĐMST là nhu cầu tất yếu. Rạng Đông dự kiến sẽ đạt mặt bằng tăng trưởng mới (trên 15%) nhờ vào công cuộc chuyển đổi số và ĐMST”.

Báo cáo năm 2022 gây chú ý bởi sự tham gia đóng góp đề bài từ doanh nghiệp, kêu gọi hệ sinh thái cung cấp giải pháp ĐMST, đánh dấu bước chuyển mình về tư duy ĐMST mở sau những nỗ lực thúc đẩy phong trào ĐMST mở tại Việt Nam. Hòa chung không khí chủ đề của Ngày hội TECHFEST 2022 mang tên “Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”, Báo cáo năm 2022 ghi nhận hàng loạt các thách thức từ những cái tên tiêu biểu về ĐMST mở tại Việt Nam như: Trung tâm ĐMST mở Hòa Bình - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Rạng Đông, MASAN MeatLife, OWEN Fashion, chuỗi bán lẻ Guardian, DKSH Smollan... Ngay sau khi Báo cáo được công bố, các startup có thể đăng ký nộp giải pháp này trên website của BambuUP, cụ thể là tại mục Innovation Challenge Hub. Hình thức này đã không còn xa lạ với các nền tảng kết nối ĐMST mở của Singapore, giờ đây các startup tại Việt Nam cũng đã chính thức có một sân chơi để tham gia vào quá trình thúc đẩy ĐMST cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Báo cáo “mở” toàn diện cho hệ sinh thái ĐMST trong năm 2023

Đánh giá về Báo cáo năm nay, ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844 kiêm Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, BambuUP đã nỗ lực xây dựng được một báo cáo khai thác có chiều sâu hơn nữa về hệ sinh thái ĐMST mở, giúp người đọc có được những thông tin tốt nhất trong quá trình ĐMST mở của chính doanh nghiệp của mình, cũng như trong quá trình tương tác với các đối tác, khách hàng, các đơn vị đối tác tiềm năng. Từ cách tiếp cận xây dựng báo cáo, phiên bản 2022 đã tăng cường tính mở, huy động được các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong hệ sinh thái cùng chung tay hỗ trợ xây dựng, đánh giá về số liệu hay tình hình thực trạng của hệ sinh thái trong từng lĩnh vực khác nhau. Và đội ngũ thực hiện đã hết sức cố gắng để truyền tải đến người đọc luồng thông tin dễ hiểu nhất có thể.

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022: Khai mở vùng đất sáng tạo
BambuUP và các đối tác chung tay thúc đẩy ĐMST mở và công bố Báo cáo trong Diễn đàn ĐMST mở lần 2

Không chỉ có sự bổ sung về đơn vị bảo trợ, Báo cáo năm 2022 còn đón nhận sự đồng hành của các Đối tác toàn diện (Comprehensive Partner) uy tín, bao gồm VinUniversity và Quỹ đầu tư LOTTE Ventures Vietnam. Ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư LOTTE Ventures Vietnam - đơn vị đồng tổ chức xuất bản và phát hành phiên bản tiếng Hàn của “Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022” tại Hàn Quốc khẳng định: “LOTTE Ventures đánh giá đây là một báo cáo chất lượng, toàn diện và uy tín về hệ sinh thái ĐMST mở của Việt Nam. Báo cáo này là niềm tự hào của người Việt và chúng tôi muốn đưa báo cáo này phổ biến rộng rãi tới tất cả các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. Bản thân LOTTE Ventures cũng mong muốn được hợp tác lâu dài với các đơn vị tương tự nhằm thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST nước nhà”.

Cũng theo ông Huy, dự kiến năm 2023, LOTTE Ventures sẽ tìm kiếm các dự án startup Việt tiềm năng để đầu tư với con số vốn lên tới 1 triệu USD cho một dự án. Thông qua báo cáo này, LOTTE Ventures kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giữa 2 hệ sinh thái ĐMST của 2 quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc./.