Đó là một trong những khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” sáng ngày 02/10 do NIC phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) đồng tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các chương trình thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024,

Kiến tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC phát biểu tại Hội thảo/ Ảnh: NIC

Hội thảo là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam, đồng thời, tạo điều kiện chia sẻ các mô hình đại học tiên tiến trong việc phát triển ĐMST và khởi nghiệp. Đây cũng là dịp để các trường học, doanh nghiệp và cơ quan chính sách gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình đại học sáng tạo, qua đó nâng cao vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST.

Thúc đẩy mạng lưới ĐMST trong các trường đại học, cao đẳng

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của ĐMST trong hệ thống giáo dục đại học nói riêng và ĐMST nói chung trong hành trình thực hiện mục tiêu “xây dựng đất nước hùng cường” tới đây. Đồng thời, bày tỏ hy vọng và tin tưởng về hiệu quả phối hợp trong hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao giữa các trường đại học trong nước và quốc tế cùng NIC.

Nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, VNEI đã có bước phát triển nhanh với nhiều hoạt động sôi nổi và được đánh giá cao, ông Huy cho biết, thời gian tới, các bên liên quan sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ để triển khai các nhiệm vụ ĐMST nói chung và phát triển VNEI nói riêng; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của VNEI, tập hợp và đưa ra các ý kiến của các mạng lưới thành viên để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với cấp có thẩm quyền để thúc đẩy mạng lưới ĐMST nói chung và mạng lưới ĐMST trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng.

Ông khẳng định, sẽ gắn các hoạt động với phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Ông Huy cho biết, ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó đặt ra mục tiêu quan trọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn.

Trong đó, chương trình đặt trọng tâm vào việc nắm bắt công nghệ sản xuất bán dẫn, từng bước xây dựng một lực lượng lao động đủ khả năng tham gia và đóng góp vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế… trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu Chương trình trên”, ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh.

Cần khảo sát thực tế mô hình ĐMST của các trường đại học trên thế giới

Tại Hội thảo, ông Hub Langstaff, Giám đốc Chương trình SwissEP tại Việt Nam, đã chia sẻ về một số mô hình ĐMST của Thụy Sỹ hiện nay. Chương trình hỗ trợ của Thụy Sỹ về xây dựng hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp triển khai ở 7 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đã nhấn mạnh tới tiềm năng to lớn của ĐMST ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, ông cũng nêu một số khuyến nghị cần triển khai khắc phục để hệ sinh thái ĐMST thực sự phát huy hiệu quả.

Còn TS. Sarah Mamiese, Giám đốc AFD Campus, cơ quan phát triển Pháp đánh giá cao các hoạt động ĐMST của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là với việc hình thành phát triển NIC như một biểu tượng thành công của ĐMST hướng tới tương lai cùng với tinh thần nhiệt huyết đam mê ĐMST của Việt Nam.

Trong phần tham luận của mình, về đổi mới và mô hình hiện nay liên quan tới ĐMST mà Việt Nam đang theo đuổi, TS. Sarah nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định trong bối cảnh cả thế giới đang tìm kiếm giải pháp để phát triển hiệu quả bền vững, phát triển kinh tế mà không gia tăng tác động đến môi trường.

“Hiện nay, các định hướng kinh tế tuần hoàn có thể cho phép dung hoà phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và nhân loại…, do đó, việc tiến hành hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng tiếp cận đổi mới để tìm ra các giải pháp thực sự hiệu quả, tránh bẫy đổi mới và làm chủ đổi mới vì một tương lai tốt đẹp là hết sức cần thiết”, TS. Sarah khuyến nghị.

Kiến tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học
Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã công bố 15 thành viên mới của VNEI/ Ảnh: NIC

Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch VNEI, Tổng Giám đốc BK Holdings, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất về việc có thể đưa các lãnh đạo của các trường đại học Việt Nam đi tham quan, khảo sát thực tế các mô hình ĐMST của các trường đại học trên thế giới để thấy được tính thiết thực, cũng như hiệu quả của ĐMST trong đại học, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, về mặt chính sách, TS. Trần Nam Tú, Phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tình với các ý kiến trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo; đồng thời cho rằng, trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay, cần nghiên cứu thống kê có bao nhiêu cơ sở có điều kiện triển khai ĐMST trong giáo dục và có những cơ sở nào có điều kiện mà không triển khai ĐMST. "Bởi thực tế cho thấy, ĐMST phụ thuộc vào không chỉ cá nhân, mà còn cả tập thể lãnh đạo cùng môi trường của cả hệ thống. Từ đó, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng thể, đa chiều về ĐMST trong các trường đại học hiện nay, góp phần điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý", ông nêu quan điểm.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã công bố 15 thành viên mới của VNEI, nâng tổng số thành viên mạng lưới lên 71 (trước đó, từ năm 2023, VNEI chỉ có 31 thành viên); đồng thời, công bố sáng kiến VINC FORUM - một giải pháp nhằm tăng cường mạng lưới giao lưu trao đổi về ĐMST giữa các trường đại học trong và ngoài nước cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà quản lý chính sách.../.

VNEI ra đời dưới sự bảo trợ của NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mục tiêu gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động ĐMST trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực toàn diện cho cơ sở giáo dục và đào tạo với 3 giá trị cốt lõi của Mạng lưới bao gồm: Kết nối - Hợp tác - Cùng ĐMST. Hiện tại, VNEI đã có trên 50 thành viên là các trường đại học và cao đẳng cùng với nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp tham gia./.