Báo động về “sức khỏe” doanh nghiệp tư nhân
Hàng loạt con số biết nói
Ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp" mới được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố vào ngày 22/03 đã đưa một thực trạng đáng báo động về sức khỏe doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, đó là trong 3 khu vực doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước.
Đáng chú ý, ấn phẩm này còn nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể giải thích một phần là do hoạt động “chuyển giá”, thì con số hơn 48% doanh nghiệp tư nhân thua lỗ (so với hơn 16% thuộc khu vực nhà nước) đã cho thấy rõ nét những khó khăn của khu vực này trong những năm vừa qua.
Có hơn 48% doanh nghiệp tư nhân thua lỗ |
Báo cáo PCI năm 2017 được công bố cùng ngày cũng cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo cho biết, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động.
Cụ thể theo điều tra PCI 2017, có trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động (85% có dưới 50 lao động). Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm trở lại đây, song vẫn chưa trở lại mức đỉnh cao từng đạt được trước khi gia nhập WTO.
Điều tra từ PCI 2017 cũng cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn. Theo số liệu điều tra, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Đáng lưu ý, khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI, tới 70%.
"Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN".
Cần phải làm gì?
Trước thực trạng Việt Nam đã đưa ra nhiều "đơn thuốc" nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp nhưng "căn bệnh" doanh nghiệp trong nước, nhưng mãi vẫn không khỏi, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc chưa đạt được các mục tiêu đặt ra là do các giải pháp không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Ông Hiếu nhấn mạnh: "Cắt bỏ điều kiện kinh doanh mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Phải tính tới việc thiết kế những chính sách thúc đẩy cạnh tranh bởi chính sách cạnh tranh mới là trái tim của nền kinh tế, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và dài hạn".
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng đưa ra lý giải, đó là môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến khu vực này khó phát triển.
“Trước hết là tính minh bạch và các thiết chế pháp lý để giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp đang chuyển biến khá chậm trễ. Thứ hai, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với chi phí không chính thức và chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền. Gần đây, một số trở ngại mới nổi lên là tiếp cận đất đai khó khăn hơn và sự an toàn trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất”, ông Lộc cho biết.
Theo đó, ông Lộc cho rằng, những vấn đề trên đòi hỏi phải có những đột phá tiếp tục về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính ở cấp trung ương đến địa phương để tạo ra những dư địa mới.
TS. Hoàng Xuân Hoà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 ngày 20/3 cũng chỉ ra rào cản của kinh tế tư nhân là từ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, vẫn còn biểu hiện của cơ chế xin - cho; có nơi chưa bảo đảm kỷ cương. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.
Theo đó, ông Hòa cho rằng cần rà soát, xóa bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; giữa các chủ thể của kinh tế tư nhân, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực xã hội, các yếu tố sản xuất, cơ hội kinh doanh, tham gia thị trường, mà trọng tâm là đất đai, vốn, nguồn lực của Nhà nước.
Ngoài ra cũng cần tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp và kiểm soát độc quyền kinh doanh; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Xóa bỏ các chính sách hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh, nhất là giá cả hàng hóa, dịch vụ./.
Tổng hợp từ:
Hà Minh (2018). Kinh tế tư nhân đang vướng những rào cản nào?, truy cập từ http://vneconomy.vn/kinh-te-tu-nhan-dang-vuong-nhung-rao-can-nao-20180320083031579.htm
Phương Anh (2018). “Tăng trưởng GDP hiện như miếng bánh chỉ dành cho ông to, doanh nghiệp lớn”, truy cập từ http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-10954-tang-truong-gdp-hien-nhu-mieng-banh-chi-danh-cho-ong-to-doanh-nghiep-lon.html
Thu Trang (2018). Chủ tịch VCCI: Vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, truy cập từ https://baotintuc.vn/kinh-te/chu-tich-vcci-van-con-nhieu-diem-chua-hai-long-ve-moi-truong-kinh-doanh-tai-viet-nam-20180322163524073.htm
Bình luận