Doanh nghiệp, doanh nhân đề xuất gì với Chính phủ
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội: "Chúng tôi, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài". Ảnh: VGP

Viettel: Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết, Viettel từ khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, chúng tôi đã đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia. Từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh.

Đến nay ,sau chặng đường 18 năm đầu tư, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị Viettel trên thương trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn.

Tại các nước đầu tư, Viettel luôn hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt thị trường, trong lĩnh vực viễn thông, Viettel có 7/10 thị trường đã vươn lên số 1, có những thị trường trong vòng 6 tháng đã vươn lên số 1 như thị trường Bungaria, có những thị trường khác, chúng tôi kiên trì sau 12 năm như Mozambique.

Bên cạnh viễn thông, Viettel cũng mở rộng, đi vào chiều sâu như là đưa nền tảng số, những lĩnh vực mới để kinh doanh như thanh toán số tại châu Phi, Mozambique, những đóng góp ở đây rất lớn trong khi đầu tư rất nhỏ.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho biết, Viettel đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, nên đã tận dụng được lợi thế của người đi sau. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công hợp lý, có khả năng thích ứng, linh hoạt, kiên trì của người Việt Nam rất lớn, đã biến khó khăn thành cơ hội.

Ngoài ra, Viettel cũng luôn nhận được sự ủng hộ, tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan.

Thiếu tướng cũng chia sẻ rằng, kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ở những nước lớn, phát triển thực sự không phải dễ cho lĩnh vực công nghệ cao, vì thế, chúng ta thường tìm đến là những vùng khó khăn như ở châu Phi, Nam Mỹ, hay ở Đông Nam Á. Thứ 2 là khác biệt về văn hoá, mỗi quốc gia có nền văn hoá riêng, thậm chí là trong một quốc gia cũng có văn hoá khác nhau. Thứ 3 là khác biệt về ngôn ngữ.

Về những kiến nghị, đề xuất, Thiếu tướng nhấn mạnh "Chúng tôi, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài. Cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam". Bên cạnh đó, Thiếu tướng cho rằng, cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Doanh nghiệp, doanh nhân đề xuất gì với Chính phủ
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai các dự án lớn - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hiệp hội DNNVV Việt Nam: Cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân"

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, năm 2024 chuẩn bị kết thúc và chúng ta bước sang năm cuối của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

"Ở góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5%. Bên cạnh đó, nước ta cũng có những mục tiêu xa hơn vào năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao", ông Thân tin tưởng.

Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu này, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam xin tham gia góp ý về 6 vấn đề.

Thứ nhất, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.

Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

"Hiệp hội DNNVV Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình", ông Thân đưa đề xuất

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Thứ hai, theo ông Thân, kinh tế số là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có một thị trường tài chính, thị trường vốn rất lớn đang được thế giới nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ, nhưng Việt Nam lại đi sau, đó là thị trường tiền số.

Mặc dù Việt Nam hiện nay chưa cho phép vận hành thị trường này, nhưng rất nhiều nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn người dân bình thường) vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ.

Thứ ba, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Thứ tư, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu NSNN và 60% lao động, tuy nhiên đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp - chiếm 4% nhưng con số này không hề nhỏ - họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp).

"Để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa", ông Thân đề nghị.

Thứ năm, cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp. Nhấn mạnh rằng, điều này là rất thiệt thòi đối với họ, lãnh đạo Hiệp hội DNNVV, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để "chính thức hóa" chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được "phải" chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.

Thứ sáu, Hiệp hội DNNVV cũng mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam.

Doanh nghiệp, doanh nhân đề xuất gì với Chính phủ
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tập đoàn TTC kiến nghị, sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị một số vấn đề cụ thể. Thứ nhất, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, đại diện Tập đoàn TTC kiến nghị, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".

Bà cho biết, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. "Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định", bà đưa kiến nghị

Những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai, Luật các tổ chức tín dụng có những điều khoản cần xem lại như việc xác định chủ thể quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong phát hành trái phiếu, do ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này, trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp, nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, dẫn tới việc huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp.

Đại diện Tập đoàn TTC kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.

Thứ ba, TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam, vừa khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.

Thứ tư, đại diện TTC cũng đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách đột phá tạo môi trường cởi mở cho các nhà đầu tư, kiến nghị xác định khu vực có đủ tiềm năng, thế mạnh, sự độc bản như môi trường trong xanh - phát triển được kinh tế xanh; cơ sở hạ tầng tốt - phát triển được kinh tế số; quỹ đất còn nhiều dư địa - quy hoạch bài bản và hiện đại... để thu hút nhiều nhà đầu tư vốn lớn đến và đầu tư. Dựa trên cơ sở đó, đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế mang đậm bản sắc Việt Nam, kêu gọi sự đồng lòng góp sức từ các doanh nghiệp tư nhân để hợp lực hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.

Doanh nghiệp, doanh nhân đề xuất gì với Chính phủ
Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan

Tập đoàn Masan đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp của Chiến lược Phát triển thương mại trong nước

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan nhấn mạnh, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bằng việc duy trì tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm.

Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng tốt, tuy nhiên, tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tại đây đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển ngành bán lẻ, đến năm 2030 là tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất mong các bộ, ban, ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung: Phát triển thương mại hiện đại – tăng trưởng bền vững – tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp, doanh nhân đề xuất gì với Chính phủ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh băn khoăn, vấn đề làm sao để đội ngũ doanh nhân vững mạnh và phát triển?

Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh băn khoăn, vấn đề làm sao để đội ngũ doanh nhân vững mạnh và phát triển?

"Làm sao để chúng tôi yên tâm, tự tin thì chúng tôi nhận thấy các chỉ đạo của cơ quan quản lý, đó là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự. Doanh nghiệp làm ăn với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất nhưng không thể tránh những sai sót. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự", ông Châu nêu kiến nghị.

Hoan nghênh Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện xây dựng 3 dự thảo Luật, ông Châu mong tất cả các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động.

"Đối với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân, giảm giá nhà, phải tham gia để phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội và mong Thủ tướng quan tâm đến vấn đề 500.000 chủ nhà trọ trên phạm vi cả nước đang giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân và người có thu nhập thấp đô thị nhưng họ chưa được hưởng chính sách gì", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề./.