Bị ép giá vẫn nên xuất nông sản sang Trung Quốc

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu đi trên 40 quốc gia trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Nga... Tuy nhiên, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 (tương ứng giá trị hơn 435 triệu USD). Tính đến hết quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng mạnh, ở mức 131 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cuộc họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp diễn ra chiều ngày 01/07/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát khẳng định, mặc dù nông dân của Việt Nam liên tục bị thương lái Trung Quốc ép giá, mua nông sản với giá rẻ, nhưng vẫn nên tiếp tục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Phát cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn có thị hiếu gần với Việt Nam, nên nhiều nước trên thế giới đều cố gắng thâm nhập vào thị trường này. Trong cuộc đua đó, Việt Nam có lợi thế là nước láng giềng nên cần phát huy để tiêu thụ nông sản. Ví dụ: 85% sắn xuất khẩu vào Trung Quốc, gạo hiện xuất khẩu vào thị trường này là 35%, cao su 40%,...

“Nhiều người cho rằng nông sản đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, vậy có nên tiếp tục thúc đẩy buôn bán giữa hai nước, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc hay không? Chúng ta vẫn nên và chúng tôi cũng sẽ liên tục giao thiệp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng cả con đường chính và tiểu ngạch”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, để giảm phụ thuộc, tránh bớt rủi ro cho doanh nghiệp cũng như tránh rủi ro cho người nông dân, phía Bộ đang cố gắng để đa dạng hóa thị trường.

"Ví dụ, chúng ta đang tìm cửa cho vải thiều vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật... Mặt khác, cũng cần áp dụng chính sách để phát triển chế biến trong nước. Đơn cử như sắn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đang chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất ethanol để làm xăng sinh học E5, hay như cao su, vẫn xuất khẩu 1 triệu tấn/năm nhưng thay vì xuất khẩu thô sẽ thúc đẩy sản xuất săm, lốp...", ông Phát cho hay.

Để rộng cửa cho thị trường xuất khẩu

Năm nay trái vải thiều “dễ thở” hơn một chút là nhờ ra tay hỗ trợ của các bộ. Quả vải được xuất sang Úc, Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu và đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Điển hình như tại thị trường Úc, theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, kể từ lô hàng đầu tiên gồm 3 tấn vải thiều đến Melbourne ngày 12/06, đến nay, tổng số đã có 40 tấn vải thiều được nhập khẩu vào Úc và tiêu thụ chủ yếu tại ba thành phố lớn là Sydney, Melbourne và Brisbane.

Đa số kiều bào tại Úc cho biết, trái vải khi sang đến đây vẫn giữ được nguyên hương vị tươi ngon và rất ngọt, đồng thời bày tỏ hy vọng vào mùa vụ sau, trái vải thiều Việt Nam sẽ có mặt phổ biến hơn tại các cửa hàng, siêu thị ở Úc.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao đến năm nay người Pháp, người Mỹ... mới được ăn quả vải thiều tuyệt vời đầu tiên của Việt Nam? Trước đây họ chỉ biết có vải Thái, vải Trung Quốc, trong khi, trái vải của Việt Nam được đánh giá tốt hơn trái vải nước khác.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, vải Trung Quốc có màu xanh, hình thức kém hấp dẫn hơn vải Việt Nam và người tiêu dùng tại Úc có sự thận trọng nhất định với thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nên trái vải Việt Nam hiện có lợi thế tốt hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường chủ lực của trái vải. Nếu Trung Quốc không thu mua giá trị quả vải sẽ rất thấp, không có đầu ra, thị trường Trung Quốc vẫn lớn, chiếm đến 50%. Trả lời báo chí, theo ông Tăng Xuân Trường, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt, đối với Hưng Việt, thị trường trên giúp định vị quả vải của Việt Nam trên thị trường thế giới, vải xuất sang Trung Quốc vẫn là "cứu cánh".

Mong rằng thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ giúp người nông dân cũng như doanh nghiệp đưa không chỉ trái vải mà các mặt hàng nông sản khác tới nhiều quốc gia hơn nữa, để nông sản Việt không còn chịu cảnh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như nhiều năm qua./.