Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vừa chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và các bộ, ngành liên quan của hai nước tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào (ảnh: MPI) |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào cho biết, Hội nghị nhằm quán triệt kết luận của hai đồng chí Tổng bí thư Việt Nam và Lào tại cuộc gặp Bộ Chính trị hai nước ngày 09/01/2022 tại Hà Nội và nhiệm vụ hai đồng chí Thủ tướng Chính phủ giao tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa hai nước ngày 10/01/2022 và tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp hai nước đầu năm 2022, trong đó nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, phát triển các chuỗi cung ứng…, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước triển khai rất quyết liệt, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước triển khai rất quyết liệt (ảnh: MPI) |
Năm 2022 chứng kiến sự chuyển biến tích cực đối với một số dự án đầu tư lớn tại Lào. Nhiều dự án đã được cơ quan hữu quan hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Công tác thúc đẩy, hỗ trợ đầu tư trong năm 2022 đã được tăng cường và đạt được hiệu quả thiết thực, đặc biệt là xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào Lào trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, quy mô lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước cũng còn một số hạn chế và thách thức. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa, có định hướng mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo dư địa mới, đặc biệt để giải phóng nguồn lực cho hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào sẽ lĩnh hội các nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng và ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để cùng các bộ, ngành, địa phương hai nước tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Đồng tình với những đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-chên Vông-phô-sỷ, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam nhấn mạnh vai trò, những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào như: Một số dự án, công trình triển khai còn chậm, tỷ lệ vốn giải ngân chưa cao.
“Hiện đầu tư từ Việt Nam sang Lào gặp khó khăn do một số chính sách pháp luật của Lào chưa phù hợp với điều kiện mới và đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế - xã hội Lào…”, Bộ trưởng Khăm-chên Vông-phô-sỷ nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ hai nước tăng cường kết nối hai nền kinh tế, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng mềm để thúc đẩy đầu tư… (ảnh: MPI) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nhau trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, bảo đảm nhất quán về chính sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên…
Để thúc đẩy hợp tác đầu tư hiệu quả giữa hai bên trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.../.
Bình luận