Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xử lý nhiều đề án, nhiệm vụ nhất trong khối Bộ, cơ quan ngang Bộ
Báo cáo Công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh văn phòng Bộ, ông Bùi Anh Tuấn cho biết điều này tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thanh |
6 tháng đầu năm, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao với chất lượng cao
Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước; phần lớn các đề án, phương án, kiến nghị của Bộ đã được cấp có thẩm quyền thông qua.
Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn được lãnh đạo các cấp đánh giá là Bộ được giao nhiều đề án khó và quan trọng, trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xử lý nhiều đề án, nhiệm vụ nhất trong khối Bộ, cơ quan ngang Bộ", ông Tuấn cho hay.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự nghiêm túc vào cuộc của các đơn vị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao với chất lượng cao, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp của Đảng và Nhà nước. Các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch… do Bộ tham mưu đều được các cấp có thẩm quyền đánh giá cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ cũng đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành. Mặc dù là một trong những Bộ nhận được số lượng kiến nghị, đề xuất nhiều nhất, song tỷ lệ giải quyết của Bộ cũng thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất (tính đến ngày 10/7/2023, Bộ đã hoàn tất xử lý 166/177 kiến nghị, đạt 94%).
"Với kết quả đó, tại văn bản số 622/TTg-TH ngày 05/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành và cả nước", Chánh Văn phòng Bộ chia sẻ.
9 nhiệm vụ lớn cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm
Ngoài những kết quả đạt được nêu trên, ông Tuấn cũng cho biết, vẫn còn một số tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành, cần được nghiên cứu và rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Đó là:
- Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức do diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia suy giảm, thậm chí rơi vào suy thoái, tạo áp lực lên công tác điều hành giá, lãi suất, tỷ giá.
- Một số công việc yêu cầu về thời gian quá gấp, nên đôi khi chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản ở mức cao nhất.
- Công tác tham mưu, đề xuất, dự báo cơ chế chính sách đôi khi chưa chủ động, trong một số trường hợp phản ứng chính sách chưa kịp thời, một số báo cáo, đề án trong chương trình công tác chưa đạt tiến độ đề ra.
Nhằm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua và 6 tháng đầu năm; khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế trong công tác tham mưu, tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai, không ngừng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thứ ba, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để tham mưu điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Thứ tư, chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, tập trung tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.
Thứ sáu, tăng cường nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư khi gia nhập và hoạt động trên thị trường theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ bảy, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tám, tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các nội dung: (i) việc thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025”; (ii) kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; (iii) tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; (iv) tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; (v) tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ chín, triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm, như: Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển một số vùng kinh tế; Đề án tăng cường năng lực thống kê quốc gia; Xây dựng Quy hoạch 05 vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh; Báo cáo Sơ kết một số nghị quyết lớn của Bộ Chính trị.../.
Bình luận