Bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, PPP
Dự kiến sẽ tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu

Nghị định 50/2016/NĐ-CP đã có nhiều điểm lỗi thời

Nghị định số 50/2016/NĐ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các Luật có liên quan như: Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014...

Tuy nhiên, hiện nay, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, một số văn bản quy phạm pháp luật đã có một số thay đổi, được Quốc hội thông qua, nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Bên cạnh đó, các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực thi hành. Cụ thể như: Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải được rà soát, chỉnh sửa tại dự thảo Nghị định này.

"Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP là cần thiết", ban soạn thảo Nghị định nêu rõ.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Nghị định

Các quy định của Nghị định này sẽ bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành.

Việc xây dựng Nghị định nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã được quy định tại các luật, nghị định mới được ban hành, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch và đầu tư được tổ chức thi hành đồng bộ, hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, không có căn cứ để xử phạt.

Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của toàn ngành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Nghị định là bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các pháp luật khác có liên quan. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bảo đảm phù hợp với thực tế, bảo đảm tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành.

Kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi đi ngược với quan điểm cải cách hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề pháp luật không cấm.

Theo đó, Dự thảo Nghị định được công bố gồm 07 Chương, 82 Điều, trong đó, Chương I: Quy định chung (gồm 05 Điều, từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 04 mục, 26 Điều, từ Điều 6 đến Điều 31); Chương III: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 02 mục, 11 Điều, từ Điều 32 đến Điều 42); Chương IV: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 27 Điều, từ Điều 43 đến Điều 69); Chương V: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 03 Điều, từ Điều 70 đến Điều 72); Chương VI: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (gồm 07 Điều, từ Điều 73 đến Điều 79); Chương VII: Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 80 đến Điều 82).

Bổ sung chế tài xử lý một số hành vi vi phạm về đấu thầu, PPP

Dự thảo Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu (bao gồm đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; (iv) Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch.

So với Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, dự thảo Nghị định lần này bổ sung các hành vi trong các lĩnh vực: đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy hoạch.

Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định quy định 02 hình thức xử phạt chính là “Cảnh cáo” và “Phạt tiền”. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều từ Chương II đến Chương V Nghị định này.

Dự thảo Nghị định lần này bổ sung chế tài xử lý một số hành vi vi phạm, như: Đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) chậm so với quy định hoặc không thực hiện đăng tải KHLCNT; áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu và loại hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu; đăng tải hồ sơ mời thầu (HSMT) không thống nhất với nội dung đã được phê duyệt; phát hành HSMT, hồ sơ yêu cầu không đủ điều kiện; yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu; không gửi thông báo đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hoặc thông báo không nêu rõ hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu...

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt từ 200 - 300 triệu đồng đối với các hành vi bị cấm trong đấu thầu, gồm các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.

Việc quy định hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả là phù hợp với quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và kế thừa kết quả thực tế triển khai Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.

Về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Dự thảo quy định về “Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính” (Điều 5), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật vì trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại dự thảo Nghị định đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu và đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.

Dự thảo Nghị định xin ý kiến các quy định theo hướng liệt kê các hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Bên cạnh đó, quy định nguyên tắc xác định thời điểm vi phạm đối với hành vi vi phạm có tính chất “lưỡng”, có thể là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện hoặc cũng có thể là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc./.