Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam
Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam hiện nay
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 1 Quyết định số 440/QÐ-BVHTTDL, ngày 02/03/2023, Thương hiệu du lịch Việt Nam hay thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia được định vị theo hướng:
Tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.
Thương hiệu du lịch Việt Nam được hình thành trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch. Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu.
Tiêu đề, biểu tượng: Tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Phát triển các tiêu đề, biểu tượng nhánh phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng giai đoạn.
Vai trò của vận tải hàng không với thu hút khách du lịch quốc tế
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Malaisia, Campuchia, Úc, Thái Lan. Đáng chú ý, khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, với hơn 1,4 triệu lượt khách, tiếp đến là đường bộ với hơn 277.000 lượt và đường biển 32.000 lượt. Như vậy, có thể thấy đóng góp và vai trò to lớn của dịch vụ hàng không đối với thúc đẩy du lịch tại Việt Nam thời gian qua.
Trong bối cảnh các quốc gia ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam đang tích cực khai thác các điểm mạnh chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngày 18/05/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch, trong đó có việc cải thiện hạ tầng và dịch vụ logistics, bao gồm logistics hàng không, để nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ngày 24/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, bao gồm: Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không và logistics, hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.
Hưởng ứng tinh thần này, sáng 26/12/2024, BCSI phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam”. Diễn đàn là nơi các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không, và các đơn vị logistics cùng gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo nhằm mục đích tối ưu hóa dịch vụ du lịch và logistics tại Việt Nam.
Quang cảnh Diễn đàn |
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và logistics, các hiệp hội và nhiều diễn giả là các chuyên gia, nghiên cứu về lĩnh vực logistic hàng không và du lịch. Các kiến thức từ nhiều khía cạnh liên quan được trao đổi trong Diễn đàn giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các xu hướng toàn cầu, áp dụng công nghệ mới, xây dựng nền tảng thông minh hỗ trợ du khách và tận dụng cơ hội từ chính sách của Chính phủ.
Các diễn giả, chuyên gia tham gia tại Diễn đàn cũng đã thảo luận về định hướng, sự cần thiết phát triển các gói dịch vụ tích hợp logistics và du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách quốc tế. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng góp phần giúp định hình rõ hơn chiến lược phát triển logistics hàng không, nhằm hỗ trợ du lịch; đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ và các mô hình liên kết nhằm thúc đẩy ngành du lịch và logistics cũng phát triển bền vững.
Chương trình không chỉ góp phần tăng cường nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là nền tảng cho những đổi mới trong công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Với tầm nhìn xa hơn, Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm logistics hàng không đầy tiềm năng, hỗ trợ một nền công nghiệp du lịch phát triển bền vững và toàn diện./.
Bình luận