Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 được xây dựng dựa trên thực tiễn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, chiều nay (ngày 11/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), theo Văn phòng Quốc hội.
Trả lời chất vấn của ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.
“Các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch; những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: QH |
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) khi xây dựng các chỉ tiêu kinh tế -xã hội năm 2022: tốc độ tăng GDP đạt 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân 4%..., thì đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát chưa, nhất là hậu quả nặng nề do dịch Covid-19 gây ra chưa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ sở để xác định các mục tiêu này đều dựa trên tình hình thực tiễn, có tính đến khả năng kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV/2021 và khả năng phục hồi của nền kinh tế khi chúng ta mở cửa trở lại...
Làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Âu Thị Mai tính đến ngày 31/10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA đạt thấp so với kế hoạch, giải pháp gì để khắc phục tồn tại này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chậm trễ là do công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức nhiều, sau khi được chấp thuận chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện thực chất và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian. Chậm trễ trong giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở, sẽ chưa thể giải quyết ngay tình trạng này nếu các quyết định của Luật Đất đai không giải quyết triệt để. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện bị vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù, tranh chấp, khiếu kiện… Riêng năm 2021 có những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên phải giãn cách xã hội, dẫn tới ảnh hưởng đến các vấn đề về: thiếu lao động, chi phí tăng cao, giá nguyên vật liệu cũng tăng cao. Đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của các ĐBQH. Ảnh: QH |
Bộ Kế hoạch Đầu tư đang rà soát lại vướng mắc trong sửa các luật sắp tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các địa phương và các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định thì mới giải quyết tận gốc vấn đề. |
“Bộ Kế hoạch Đầu tư có 3 chức năng chính. Thứ nhất, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược. Thứ hai, xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm. Thứ ba, xây dựng thêm nguyên tắc trong kế hoạch hàng năm. Còn lại tất cả các vấn đề như lựa chọn và phê duyệt dự án, thẩm định phương án điều chỉnh dự án kéo dài hay không, giao vốn chi tiết đã phân cấp triệt để cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Thủ tướng chỉ giao vốn một lần ngay từ năm trước cho các bộ, ngành, địa phương…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, cần phải thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trách nhiệm người đứng đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để đấu thầu phải làm nhanh hơn. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng phải phát huy tinh thần để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời…
Gỡ vướng cho các dự án ODA
ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình), nhìn nhận việc sử dụng vốn đầu tư phát triển và đặc biệt là sử dụng vốn ODA trong thời gian vừa qua chưa hiệu quả, lãng phí, Bộ đã thực hiện nhiệm vụ quản lý về vấn đề này như thế nào, các giải pháp cho thời gian tới ra sao?
ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn về tính hiệu quả của dự án sử dụng vốn ODA. Ảnh: QH |
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với một số dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện các thủ tục theo quy trình, thủ tục và pháp luật trong nước còn phải làm thêm các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ. Như vậy, phải làm đồng thời hai việc, mà mỗi việc lại mất rất nhiều thời gian, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội vừa qua thì chỉ một thay đổi nhỏ như thay đổi tên, địa giới, phạm vi diện tích cũng rất khó thực hiện…
“Lao động ở các dự án phải có giấy phép, chuyên gia thì phải có xác nhận tư cách chuyên gia… Phải xong các thủ tục này mới có thể làm được, nên các dự án ODA đang giải ngân rất chậm. Khâu nhập khẩu máy móc gặp khó khăn; chuyên gia lao động bị cách ly, không được di chuyển giữa các địa phương càng khiến tốc độ giải ngân các dự án có vốn ODA thấp. Một số dự án ODA do triển khai, lựa chọn và tổ chức thực hiện chưa tốt dẫn đến lãng phí. Thời gian tới, Bộ sẽ cùng với các ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào có vướng mắc có thể tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Những dự án nào không thực sự hiệu quả, không còn phù hợp sẽ bàn với nhà tài trợ để ‘đóng’ các dự án này, không để kéo dài và lãng phí…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn./.
Bình luận