Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận cơ chế đang "bó" sự sáng tạo
Từ câu chuyện "thưởng nóng" của Campuchia cho nông dân chế xe bọc thép
Tài buổi họp báo thường kỳ đầu tiên mà Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân đã chia sẻ trước câu hỏi của báo chí về việc cha con ông Trần Quốc Hải - (nông dân ở Tây Ninh đã sang Campuchia sửa chữa, chế tạo thành công xe bọc thép cho nước này và được trao tặng Huân chương vương quốc Campuchia).
Theo đó, Bộ trưởng Quân cho rằng, Nhà nước luôn đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo, sáng chế của người dân. Tuy nhiên việc này phụ thuộc vào nhu cầu thực tế. Mặt khác, cũng cần phải nói thêm rằng, nguồn lực để hỗ trợ cho những sáng chế, sáng tạo của người dân chưa được quy định cụ thể và còn gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng KHCN cho rằng các nhà chuyên môn đã làm quá tốt việc sửa chữa xe tăng, máy móc.
"Chúng ta chưa cần phải huy động đến người dân. Còn nếu với Campuchia, họ có nhu cầu, cơ chế tài chính thông thoáng, lấy ngân sách nhà nước hàng triệu đô - la mà không cần phải thuyết minh dự toán hóa đơn, chứng từ, đấu thầu... thì cũng là một cái chúng ta cũng nên nghiên cứu xem xét xem chúng ta có lạc hậu quá không?", Bộ trưởng Quân băn khoăn.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quân cũng khẳng định: "Tôi tin, Bộ Tài chính, Quốc hội Việt Nam sẽ không chấp nhận cách làm khoa học như thế được. Nếu có một chuyện dễ dàng bỏ ra hàng triệu đô la trao cho một người dân mà không cần phải dự toán, báo cáo gì thì chắc là phải sửa Luật Ngân sách nhiều lắm”, Bộ trưởng Quân lường trước khó khăn.
Từng chia sẻ vấn đề này bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận, "Chính phủ từ năm 2013 đã có nghị định về sáng kiến, nhưng do vướng mắc về hệ thống luật pháp mà nguồn lực để hỗ trợ sáng kiến, sáng tạo của người dân là rất khó khăn. Chưa có điều khoản nào trong các văn bản luật pháp cho phép các cơ quan nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, phải trông vào xã hội hóa".
"Nếu cơ chế cho phép hỗ trợ ở mức như Chính phủ Campuchia thì chắc chắn người dân có thể sáng tạo ngay trên quê hương mình", ông thừa nhận cơ chế đang "bó" sự sáng tạo.
Ông cũng cho biết, ở đâu đó, nếu có hỗ trợ được thì cũng phải xã hội hóa hoặc dùng những khoản kinh phí rất hạn chế từ ngân sách nhà nước để làm. Điều đó cũng hạn chế những hỗ trợ của Nhà nước cho khả năng sáng tạo của người dân.
Từ thực tế này, tại buổi họp báo Bộ trưởng Quân lý giải chuyện chảy máu chất xám. Theo đó ông cho rằng bao giờ cũng là nước chảy chỗ trũng, ở đâu mà làm việc tốt, lương bổng cao hơn, được đối xử tôn trọng hơn thì những người làm khoa học sẽ đến.
Tuy nhiên ông cũng tự đánh giá KHCN của Việt Nam không phải là một bức tranh xám như xã hội vẫn thường nghĩ.
"Ít nhất chúng ta đứng ở vị trí trung bình của thế giới so với môi trường đầu tư gần như là cuối bảng của thế giới. Trình độ kinh tế thu nhập của Việt Nam cũng gần như cuối bảng nhưng thứ hạng khoa học đứng ở thứ 71/143. Có thể nói thời gian gần đây nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã trở về Tổ quốc. Tất nhiên cũng có nhiều người ra đi nhưng nhiều người đã trở về", người đứng đầu Bộ KHCN nói.
Dù cho rằng tiền không phải là tất cả, điều kiện làm việc mới là quan trọng nhưng vị trưởng ngành khoa học công nghệ cũng thừa nhận, "Chúng ta chưa tạo được điều kiện tốt nhất cho nhà khoa học, nhất là về tài chính".
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KHCN
Thông tin về những kết quả hoạt động của Bộ KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, năm 2014, Bộ có nhiều thành công trong việc xây dựng nền tảng pháp lý cho KHCN nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đổi mới cơ bản, đồng bộ và toàn diện hoạt động KHCN. Cụ thể hóa nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KHCN và Luật KHCN (sửa đổi Luật KHCN năm 2000).
Bộ KHCN cũng trình Chính phủ ban hành 6 nghị định hướng dẫn Luật nhằm đưa nhanh các cơ chế, chính sách vào cuộc sống.
Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Bộ KHCN tổ chức Ngày KHCN Việt Nam và Tuần lễ KHCN quốc gia với chủ đề “KHCN – Động lực phát triển nhanh và bền vững” với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KHCN trong cả nước.
Có thể kể đến những thành tựu nổi bật như: Trong nông nghiệp đã kết hợp giữa phương pháp truyền thống và công nghệ sinh học vào chọn tạo, nhân giống cây trồng nhằm cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, triển vọng đến năm 2020 sẽ trồng từ 30%-50% diện tích trồng trọt bằng giống cây biến đổi gene.
Hay trong lĩnh vực vật liệu mới đã bước đầu ứng dụng có kết quả công nghệ sản xuất các chất hoạt động bề mặt ứng dụng vào khai thác dầu khí, góp phần tiết kiệm được nguyên vật liệu, năng lượng, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Lĩnh vực y dược cũng đạt được nhiều thành tựu khi nghiên cứu ra được các loại thuốc, vaccine thay thế những sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Trong năm 2015, Bộ sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KHCN; tập trung hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp, tạo môi trường hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của các khu công nghệ cao quốc gia, tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng quy hoạch các khu công nghệ cao./.
Bình luận