Lao dốc không phanh

Thị trường chứng khoán Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015 và rơi vào “đại địa chấn” khi vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 38%. Nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề, nhiều người thậm chí phải bán nhà bù lỗ.
Tỷ phú Trung Quốc là những người chịu thiệt hại nặng nề hơn nhà đầu tư. Hàng chục tỷ USD đã “bay” khỏi tài khoản của các đại gia giàu nhất Trung Quốc. Thế nhưng, do tiềm lực mạnh nên họ vẫn khá vững vàng ngay cả khi tài khoản hao hụt tới 50%.

Đây là thiệt hại kinh khủng. Mức độ mất mát còn lớn hơn cả khủng hoảng tại Hy Lạp. Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Mặc dù xen kẽ xuất hiện những phiên phục hồi ngắn sau những biện pháp giải cứu của Chính phủ, điều này đã không giúp thị trường thoát ra khỏi xu thế downtrend.

Nguyên nhân được đưa ra là do kỳ vọng các tài khoản mở mới trên thị trường sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu, nhà đầu tư cho rằng những người chơi chứng khoán mới sẽ cung cấp thêm dòng vốn cho tăng trưởng của thị trường.

Tuy nhiên, rất khó để xác định con số nhà đầu tư mới, bởi các tài khoản mới mở chưa chắc đã được giao dịch bởi người chơi chứng khoán lần đầu. Việc dự đoán sai lầm số lượng nhu cầu mới trên thị trường có thể khiến các cổ phiếu bị làm giá quá cao dẫn đến sụp đổ.

Dự đoán của các nhà đầu tư không phải không có cơ sở khi Trung Quốc có tỷ lệ người mới giàu rất cao, trong khi không có nhiều kênh để đầu tư và thị trường bất động sản thì đang trầm lắng.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách của chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán tăng tốc phi mã.

Với tỷ lệ nợ xấu cao, chính quyền Bắc Kinh đang muốn sử dụng kênh chứng khoán là nơi để các doanh nghiệp thu hút vốn và trả nợ. Việc đảo nợ thông qua các khoản vay của ngân hàng đang làm hệ thống tài chính của nước này rủi ro hơn, vì vậy các nhà lãnh đạo cấp cao sử dụng chứng khoán làm biện pháp giải quyết vấn đề.

Hàng loạt những động thái cũng như tuyên bố của các quan chức đã kích thích thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia sâu rộng hơn, quy định giao dịch ký quỹ được nới lỏng, tính thanh khoản được thúc đẩy bởi các quỹ đầu tư có sự hậu thuẫn từ nhà nước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên cải cách các tập đoàn quốc doanh và mở rộng khu vực tư nhân thay vì dùng nguồn lực nhà nước để thúc đẩy bong bóng chứng khoán.

Hiện vẫn còn có nhiều giả thuyết về lý do thực sự cho bong bóng chứng khoán Trung Quốc, nhưng tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng niềm tin của nhà đầu tư đóng vai trò chủ chốt cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?

Xét ở khía cạnh tích cực, những vấn đề của thị trường chứng khoán Trung Quốc lại là cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhà đầu tư vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.

Ông Vũ Thanh Tú - Giám đốc nghiên cứu Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết trong các buổi tiếp xúc và làm việc với đoàn công tác của VCSC tại Hong Kong (Trung Quốc) mới đây, nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng chuyển vốn sang một số thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam, do chứng khoán Trung Quốc lao dốc và vốn hóa thị trường này mất khoảng 2.800 tỷ USD (Hồng Quý, 2015).

“Lãnh đạo các quỹ đầu tư tại Hồng Kông cho biết đang xem xét đổ vốn vào một số thị trường mới nổi khác, trong đó có Việt Nam, sau khi rút vốn khỏi Trung Quốc” - ông Tú nói.

Ông Lê Vương Hùng - Giám đốc khối kinh doanh môi giới Công ty Rồng Việt tại TP. Hồ Chí Minh cũng có chung quan điểm khi cho rằng, chứng khoán Trung Quốc suy giảm mạnh có thể tác động lớn tới Việt Nam theo chiều hướng tích cực.

“Chắc chắn dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc sẽ được chuyển một phần qua Việt Nam” - ông Hùng nhận định (Hồng Quý, 2015).

Theo ông Eric Mustin, Phó Chủ tịch giải pháp giao dịch quỹ hoán đổi danh mục thuộc hãng WallachBeth Capital, cho biết trên một chương trình của kênh CNBC "Chúng tôi đã và đang trao đổi với nhiều nhà đầu tư, họ hỏi rất nhiều về chứng khoán Việt Nam".

Ông Mustin so sánh thị trường Việt Nam với Trung Quốc cách đây một năm, trong bối cảnh nhà hoạch định chính sách nước ta đang nỗ lực nâng hạng thị trường lên mới nổi. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài hơn.

Thêm vào đó, gần đây, Việt Nam cho phép nới tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong vài lĩnh vực, ông Mustin cho hay, động thái này sẽ giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi lớn (Thu Thảo, 2015).

Ngoài ra, Việt Nam đang dần đáp ứng những tiêu chuẩn của S&P dành cho một thị trường mới nổi. Bà Erin Gibbs - Giám đốc phụ trách đầu tư của S&P Capital IQ nói: "Việt Nam là một trong những thị trường cận biên mạnh mẽ nhất và họ có thể dễ dàng nâng hạng lên mới nổi” (Thu Thảo, 2015).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó kỳ vọng dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới do quy mô chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ, không đủ khả năng hấp thụ các luồng vốn lớn.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, muốn tận dụng những cơn suy thoái của người láng giềng lớn, thì ngoài việc xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn, tạo thêm nguồn hàng cho nhà đầu tư lớn lựa chọn. Đồng thời, nhanh chóng triển khai việc nới room để các cổ phiếu lớn kín room trên sàn có thể thu hút thêm vốn ngoại.

Dù đánh giá thị trường Việt Nam rất hấp dẫn nhưng các chuyên gia Mỹ vẫn cho rằng trong ngắn hạn, sẽ chưa có chuyển biến lớn nào. "Đối với chúng tôi, những nhà đầu tư chứng khoán, chúng tôi sẽ không rót tiền vào nếu không nhìn thấy một sự phát triển ở nơi đó. Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm", bà Gibbs cho hay./.

Tổng hợp từ các nguồn

1. Vân Khanh (2015). Bong bóng đang vỡ, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/778690/bong-bong-dang-vo

2. Vminh (2015). Hoảng loạn ở Trung Quốc: thảm họa mới chỉ bắt đầu, truy cập từ ietnamnet.vn/vn/kinh-te/249613/hoang-loan-o-trung-quoc--tham-hoa-moi-chi-bat-dau-.html

3. Thu Thảo (2015). Chứng khoán Trung Quốc lao đao, thị trường Việt Nam là điểm đến?, truy cập từ http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/chung-khoan-trung-quoc-lao-dao-thi-truong-viet-nam-la-diem-den-583652.html

4. Hồng Quý (2015). Chứng khoán Việt Nam có tận dụng được cơ hội, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150707/chung-khoan-viet-nam-co-tan-dung-duoc-co-hoi/773451.html