Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022. Theo đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu tích cực đến từ sản xuất công nghiệp và số doanh nghiệp gia nhập, quay trở lại thị trường.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2/2022
Nền kinh tế Việt Nam tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu tích cực

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp tháng 02/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại ở các địa phương phía Bắc đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng và nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây, trồng rừng vụ Xuân; chăm sóc và bảo vệ rừng, chống cháy rừng trong mùa khô ở khu vực phía Nam.

Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán trong khi nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu khan hiếm; tôm nuôi trồng phát triển ổn định và ít dịch bệnh.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2/2022

Sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần phần lớn tập trung trong tháng 2. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,5%; tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với 2 tháng đầu năm 2021.

Điều đáng mừng là trong 2 tháng đầu năm 2022, dù hoạt động khởi sự kinh doanh diễn ra khá trầm lắng so với tháng trước do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 33,6%.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2/2022

Hoạt động đầu tư khá khởi sắc

Tháng 02/2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, do đó khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8,8% so với kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2/2022

Thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 tăng 10,8%

Thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch cũng có nhiều tín hiệu khả quan

Tháng Hai có kỳ nghỉ tết Nguyên đán với nhiều hoạt động khai xuân, lễ hội nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng lưu ý là khách quốc tế đến nước ta tháng Hai tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2/2022

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được đảm bảo

Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương tới địa phương quan tâm, chú trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế và đời sống xã hội đặc biệt trong dịp đón xuân Nhâm Dần. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 05/02/2022, kinh phí chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán vừa qua là gần 9,3 nghìn tỷ đồng cho trên 57,81 triệu lượt người. Trong đó, theo nguồn kinh phí, quà tặng của Chủ tịch nước cho người có công và mừng thọ người cao tuổi là 3,6 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp tỉnh là 2,7 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 1,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp xã là 1,1 nghìn tỷ đồng; kinh phí xã hội hóa là 621 tỷ đồng. Theo đối tượng thụ hưởng, kinh phí tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân là 3,5 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo là 1,7 nghìn tỷ đồng; các đối tượng bảo trợ xã hội là 1,4 nghìn tỷ đồng; cho người cao tuổi là 623 tỷ đồng; cho trẻ em là 232 tỷ đồng; cho các đối tượng khác là 1,8 nghìn tỷ đồng.

Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2/2022
Nguồn: GSO