Cả nước có 52.322 doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 5/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.027 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 104.831 tỷ đồng; so với tháng 4/2018, giảm 24,0% về số doanh nghiệp và giảm 21,5% về số vốn. Mặc dù giảm so với tháng 4/2018, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2018 vẫn cao hơn so với các tháng trong Quý I/2018 cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký.
Doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đều giảm trong tháng 5/2018
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 5 đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng 4/2018 và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng này cũng đăng ký 80.524 lao động, giảm 24,5% so với tháng 4/2018.
Trong tháng 5/2018, cũng có 2.306 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,7% so với tháng 4/2018. So sánh tháng 5/2018 với tháng 4/2018, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 2.043 doanh nghiệp, giảm 6,8%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 4.812 doanh nghiệp, tăng 21,9% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 834 doanh nghiệp, giảm 39,5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 516.859 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm nay là 412.612 lao động, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn và lao động theo lĩnh vực hoạt động trong tháng 5/2018
Xét theo lĩnh vực hoạt động, trong 5 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017 ở 12/17 ngành, trong đó, nổi bật có ngành Kinh doanh bất động sản tăng 41,1%; ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 20,6%, Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 19,4%, Sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 19,1%.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành sau: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo. Các ngành, lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp nhất là: Khai khoáng; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Sản xuất phân phối điện, nước, gas...
Có 5/17 ngành nghề có số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có tỷ lệ giảm mạnh nhất, rồi đến Công nghiệp chế biến, chế tạo; Khai khoáng; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng khác.
Xét về vốn đăng ký, các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất là: Kinh doanh bất động sản; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về lao động, các ngành thu hút nhiều lao động gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng.
Một số ngành có tỷ trọng lao động bình quân trên 1 doanh nghiệp cao hơn so với các ngành còn lại là: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có 20,5 lao động/doanh nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 12,7 lao động/doanh nghiệp; ngành Sản xuất phân phối điện, nước, ga có 11,4 lao động/doanh nghiệp; Khai khoáng có 10,5 lao động/doanh nghiệp./.
Bình luận