Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa thực sự phát huy hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng mong muốn các đại biểu hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bức tranh chung về sự phát triển của kinh tế tập thể và HTX, thực trạng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển được nêu rõ tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022-Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới", sáng 02/02. Diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bức tranh kinh tế tập thể và HTX của Việt Nam hiện nay

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/12/2022, cả nước có 29.378 HTX, 125 liên hiệp hợp tác xã (LH HTX) và 71.000 tổ hợp tác (THT). So với năm 2021, số HTX tăng 2.036 HTX (tăng khoảng 7%), LH HTX tăng 18 LH HTX (tăng khoảng 17%) và số tổ hợp tác (THT) giảm hơn 2.000 THT (giảm khoảng 3%).

Số HTX thành lập mới năm 2022 là khoảng 2.600 HTX, giải thể 564 HTX.

Trong tổng số HTX toàn quốc có khoảng 19.500 HTX nông nghiệp (chiếm khoảng 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp (bao gồm 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân (4,0%); 2.500 HTX công nghiệp – tiểu thủ công (8,5%); 2.300 HTX thương mại dịch vụ (7,83%); 1.700 HTX giao thông vận tải (5,79%); 940 HTX xây dựng (3,2%); 554 HTX môi trường (1,9%); và các HTX lĩnh vực khác(2,08%).

Tổng số thành viên HTX là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (tăng khoảng 4%) so với năm trước; số HTX thành viên của LH HTX là 851 HTX, tăng 183 HTX (tăng khoảng 27%) so với năm 2021 và tổng số thành viên THT là 1.044 nghìn thành viên, giảm hơn 53 nghìn thành viên (giảm khoảng 5%) so với năm 2021. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,31 nghìn người, giảm khoảng 9% so với năm 2021.

Uớc thực hiện năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 LH HTX và 73 nghìn THT. So với năm 2022, số HTX tăng khoảng 2.200 HTX (tương đương tăng 7,9%), LH HTX tăng 23 LH HTX (tăng khoảng 26,4%) và số THT tăng khoảng 2.000 (tăng 2,8%). Số HTX thành lập mới năm 2023 đạt khoảng 2.700 HTX, giải thể gần 400 HTX. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, LHHTX và THT năm 2022 đều tăng so với năm trước, do đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát; Chính phủ thực thi nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân khôi phục sản xuất - kinh doanh; các hợp tác xã nỗ lực tìm kiếm thị trường và tăng cường sản xuất.

Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3.592 triệu đồng/HTX/năm, tăng 935 triệu đồng (tăng 35%) so với năm 2021. Lãi bình quân của 01 HTX năm 2022 là 366 triệu đồng/HTX/năm (tăng 152 triệu đồng, tương đương tăng khoảng 71% so với năm 2021); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người (tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương tăng 8% so với năm 2021).

Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 140 nghìn người, tăng khoảng 28% so với năm 2021, trong đó số cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp đạt trên 53 nghìn người (chiếm 37,8% trong tổng số cán bộ quản lý HTX), số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học là 28,2 nghìn người (chiếm 20,16% tổng số cán bộ quản lý HTX).

Đến tháng 6/2023, cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, có trên 4.339 HTXNN đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTXNN, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.

Các chính sách hỗ trợ đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

Ở nước ta, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX tại Hội nghị Trung ương 5 đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13/NQTW ngày 18/03/2002).

Thể chế hoá các quan điểm, đường lối phát triển KTTT, HTX của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về HTX cũng dần được hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật HTX năm 1996, 2003 và 2012, cùng với các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ đã tạo khung pháp lý cơ bản nhằm Hỗ trợ, khuyến khích KTTT, HTX phát triển.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX theo đó cũng từng bước được chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với Luật Hợp tác xã và tình hình phát triển của HTX trong từng thời kỳ. Luật HTX năm 2012, thay vì chính sách hỗ trợ cho tất cả HTX như giai đoạn trước, Điều 6 Luật HTX năm 2012 về chính sách hỗ trợ hợp tác xã được sửa đổi, một mặt phù hợp với nội dung chính sách quy định tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua và phù hợp với bản chất tổ chức HTX, đáp ứng nhu cầu của từng loại hình HTX.

Công tác ban hành văn bản cơ chế, hướng dẫn còn chậm, tiêu chí và thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của đơn vị tiếp nhận gây khó khăn trong triển khai. Ngân sách Nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng, kinh phí hỗ trợ lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu hỗ trợ phát triển KTTT, HTX gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.

Căn cứ vào Luật HTX năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm 06 nhóm chính sách: (i) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (ii) Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; (iii) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; (iv) Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; (v) Chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; (vi) Chính sách thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Ngoài ra, đối với HTX nông nghiệp còn được hỗ trợ bổ sung 05 nhóm chính sách, bao gồm: (i) Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (ii) Chính sách giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; (iii) Chính sách ưu đãi về tín dụng; (iv) Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; (v) Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm.

Để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ nêu trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, trong đó tập trung vào các chính sách: Bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã và nhóm các chính sách đối với hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 tập trung vào các chính sách: Thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế tập thể; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

Bên cạnh đó còn có các chính sách hỗ trợ khác có liên quan đến KTTT, HTX như chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Việc tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước cho HTX, LHHTX, THT được thực hiện bởi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các cấp, Liên minh HTX, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nhằm xác định mục tiêu xây dựng định hướng phát triển và hoàn thiện hành lang pháp lý cho khu vực KTTT, HTX trong từng giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của cả nước làm định hướng cho các bộ ngành, địa phương xác định mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phạm vi, địa bàn quản lý.

Hầu hết các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đã được triển khai trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Các địa phương đã chủ động bố trí, huy động, lồng ghép các nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chính sách trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi”.

Các nội dung hỗ trợ cho các hợp tác xã bước đầu đã phát huy được hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, người lao động HTX được nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương rất quan tâm, cùng triển khai thực hiện. Từ năm 2013-2021 hơn 362.093 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng (trong đó có hơn 22.816 cán bộ HTX được hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp đến đại học) với tổng kinh phí khoảng 323 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương khoảng 148,9 tỷ đồng). Số lượt người được tham gia đào tạo và bồi dưỡng có xu hướng tăng dần qua các năm. Chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX. Ước tính đến năm 2021, tỷ lệ cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm 48,7%, số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 22,7%. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao tăng nhưng nhìn chung còn rất thấp so với yêu cầu phát triển của HTX.

Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã và các đối tượng khác liên quan với khoảng 700 học viên, tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng từ nguồn lồng ghép trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Bộ Công Thương đã tổ chức 20 khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về cách thức tham gia thị trường thương mại điện tử và các công cụ như tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), tiếp thị trực tuyến (marketing online), tiếp thị trên mạng xã hội (social marketing) cho người sản xuất, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu, livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản lượng mùa vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cán bộ xúc tiến thương mại và đã thu hút sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, với khoảng 200 học viên tại các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn được 66 HTX tham gia xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống biểu mẫu thông tin của 66 HTX; xây dựng trang diễn đàn điện tử dành riêng cho 66 HTX (Coop66) và tổ chức tập huấn cho nhóm Coop66 về phần mềm nhật ký sản xuất và phần mềm kế toán HTX. Tại các địa phương, đã hỗ trợ đào tạo cho 910 người và trên 12 nghìn lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể, hợp tác xã từ nguồn ngân sách Trung ương; 307 người được cử đi đào tạo và gần 18 nghìn người được bồi dưỡng kiến thức bằng nguồn ngân sách địa phương.

Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ giới hạn các HTX sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc có dự án xúc tiến thương mại mà được mở rộng cho toàn bộ các HTX, LHHTX. Các HTX, LHHTX được thụ hưởng chính sách này chủ yếu thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với đầu mối triển khai là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn từ năm 2013-2021, 2.617 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ với số tiền khoảng 255 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương là 16 tỷ đồng và từ ngân sách địa phương là 239 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đến các hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế: kinh phí còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (khoảng 2%), nhiều nội dung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường chưa được HTX tiếp cận như: tuyên truyền xuất khẩu, phát triển sản phẩm, thâm nhập thị trường, thông tin thị trường và kết nối cung cầu...

Năm 2022, cả nước đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho gần 400 hợp tác xã với tổng kinh phí gần 4,5 tỷ đồng ngân sách Trung ương; cho 15 HTX với kinh phí 500 triệu đồng nguồn ngân sách địa phương.

Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa thực sự phát huy hiệu quả
Đến hết tháng cuối năm 2021 dư nợ đối với HTX, LHHTX dư nợ đạt 5.505 tỷ đồng, gấp 2 lần dư nợ từ thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực (Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ được 5.876 HTX hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng số kinh phí khoảng 268,6 tỷ (ngân sách trung ương hơn 91 tỷ, ngân sách địa phương 177,6 tỷ). Hàng năm các bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ KTTT ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công.

Về tiếp cận vốn, doanh số cho vay đối với HTX, LHHTX đạt khoảng 50.882 tỷ đồng tính chung trong giai đoạn 2013 - 2021. Đến hết tháng cuối năm 2021 dư nợ đối với HTX, LHHTX dư nợ đạt 5.505 tỷ đồng, gấp 2 lần dư nợ từ thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực, với 1.165 HTX, LHHTX còn dư nợ. Tính đến 31/12/2020, cả nước có 56 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, bao gồm: 01 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và 55 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương. Tính đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là khoảng 2.450 tỷ đồng (tăng 9,8% so với năm 2019 là khoảng 2.400 tỷ đồng); tổng doanh số cho vay đạt hơn 12.865 tỷ đồng, cho hơn 6.352 lượt HTX, 1.607 THT, 303.978 lượt thành viên HTX vay vốn; dư nợ cho vay của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đạt khoảng 2.105 tỷ đồng.

Giai đoạn 2013-2021, có khoảng 2.509 HTX được hỗ trợ về phát triển kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí là hơn 2.610 tỷ đồng. Trong đó, có 41/63 tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, một số các chương trình, dự án cũng bố trí nguồn lực như Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)...

Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, các hợp tác xã đã được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là 03 Chương trình MTQG đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đối tượng bao gồm hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh có huyện nghèo. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo đó, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn là đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 quy định một trong những đối tượng thụ hưởng là hợp tác xã trong địa bàn nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp và các mức độ với các chỉ tiêu liên quan đến phát triển HTX.

Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, Nhà nước đã ban hành, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với HTX, LHHTX như gia hạn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất tiền vay 2%/năm, giảm tiền thuê đất...

Theo khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh và ước đến cuối năm 2022, 83,6% tổng số HTX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; hơn 104.000 lao động trong khu vực HTX được hỗ trợ 76 tỷ đồng tiền thuê nhà; 81,7% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…; 12,1% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 74,2% tổng số HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; các HTX vay vốn tại ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; một số ít HTX nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%; 252 HTX, LHHTX vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, thành phố để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh2; 401.000 lao động trong các HTX, LHHTX (có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm) được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 211 tỷ đồng; 18,7% tổng số HTX nông nghiệp nắm được thông tin và tiếp cận chính sách hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2025.

Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa thực sự phát huy hiệu quả
Các HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ đầu vào; liên kết giữa các HTX và với doanh nghiệp còn yếu, sức cạnh tranh trên thị trường thấp

Các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng

Tuy nhiên, nhận định về các chính sách hỗ trợ thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vẫn còn nhiều hạn chế trong các chính sách hỗ trợ.

Các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, LHHTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Nhiều chính sách hỗ trợ theo ngành, hoạt động, dịch vụ cụ thể của HTX, nhưng quá trình triển khai chưa thực sự đúng đối tượng, chưa phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu.

Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít, do sự hạn chế về nguồn kinh phí, nên công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa như mong đợi.

Nội dung hỗ trợ phát triển HTX thường là các dự án có quy mô nhỏ, do đó HTX không đủ điều kiện để được bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện chưa được bố trí kịp thời, phải lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các chương trình, đề án khác.

Công tác ban hành văn bản cơ chế, hướng dẫn còn chậm, tiêu chí và thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của đơn vị tiếp nhận gây khó khăn trong triển khai. Ngân sách Nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng, kinh phí hỗ trợ lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu hỗ trợ phát triển KTTT, HTX gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia vào thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhưng không được quản lý thống nhất một đầu mối. Thực hiện chính sách còn phân tán, chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu là các HTX, chưa chú trọng hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho thành viên HTX, THT. Nguồn lực hỗ trợ cho HTX thấp hơn so với nhu cầu, năng lực tài chính HTX còn hạn chế. Nhiều HTX thành lập mục đích để trục lợi chính sách của Nhà nước hoặc theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu của thành viên.

Năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ cho các HTX chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu về số lượng và yếu về chất lượng). Năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể còn hạn chế, hoạt động chưa thực sự minh bạch, chủ động, chưa dựa vào và phục vụ thành viên: Trình độ của cán bộ HTX còn thấp, chưa được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, phong cách làm việc chưa khoa học, thiếu đổi mới, tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình chưa cao.

Các HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ đầu vào; liên kết giữa các HTX và với doanh nghiệp còn yếu, sức cạnh tranh trên thị trường thấp; chưa chủ động đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của thị trường; sản phẩm chưa có sức cạnh tranh, chưa tập trung vào phục vụ nhu cầu của thành viên./.