Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của quốc gia. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, từ hạn chế về nguồn vốn, nhân lực cho đến kinh nghiệm tiếp cận thị trường quốc tế.

Trong khi đó, các DNNVV trên cả nước nói chung đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, đây chính là thời điểm các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp này. Những hoạt động như tổ chức giao lưu, hội chợ triển lãm hay chương trình xúc tiến thương mại… sẽ giúp DNNVV tìm kiếm cơ hội hợp tác và tiếp cận đối tác nước ngoài hiệu quả hơn.

Sáng 30/12, hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện cuối cùng trong chuỗi 3 hội thảo của ban tổ chức.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là cầu nối hỗ trợ DNNVV vươn ra thế giới
Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban quản lý Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh rằng sự kiện ngày hôm nay sẽ là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp khu vực phía Bắc trực tiếp trao đổi với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như đại diện một số bộ, ngành và địa phương.

DNNVV cần sự hỗ trợ trong hành trình ra biển lớn

Phát biểu tại hội thảo, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME), cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp hơn 40% GDP và 30% ngân sách của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo ra trên 1 triệu việc làm mới mỗi năm. Không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế nội địa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đóng góp đáng kể vào hoạt động xuất nhập khẩu, giúp tăng cường vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dù trong bối cảnh thuận lợi hay đầy thách thức, khu vực doanh nghiệp này vẫn luôn thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt và phát triển bền vững”, ông Nam cho hay.

Đặc biệt, hiện các DNNVV Việt Nam đang thiếu sự hỗ trợ và kết nối của các cơ quan chức năng.

Còn TS. Tô Hoài Nam cũng đã chỉ rõ 10 thách thức lớn mà các DNNVV đang phải đối mặt trong hành trình hội nhập.

1. Hạn chế về nguồn lực tài chính: Nhiều DNNVV không có đủ năng lực vốn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đã làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, để đầu tư cho hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn và các đối thủ nước ngoài khi tham gia vào các thị trường quốc tế.

2. Thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế: Nhiều DNNVV thường thiếu kỹ năng quản lý hiện đại, thiếu các nhà quản lý có kinh nghiệm và đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về thương mại quốc tế nên khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường quốc tế, khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh, đàm phán hợp đồng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

3. Hạn chế trong đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất: Nhiều DNNVV chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, dẫn đến năng lực sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng đều, khó đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế khiến họ trở nên lạc hậu và khó cạnh tranh.

4. Khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường và đối tác quốc tế: Việc thiếu thông tin về thị trường quốc tế, xu hướng tiêu dùng, cũng như các quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu, đối tác kinh doanh. "Sự thiếu hụt thông tin này dẫn đến việc doanh nghiệp không thể xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả khiến DNNVV gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động thương mại quốc tế", ông Nam nhấn mạnh.

5. Thiếu bộ phận pháp chế chuyên trách: Nhiều DNNVV không có bộ phận pháp chế chuyên trách, dẫn đến việc thiếu hiểu biết về các quy định pháp lý, hợp đồng thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, dễ gặp rủi ro trong giao dịch quốc tế.

6. Hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: do năng lực cạnh tranh thấp, thiếu liên kết với các doanh nghiệp lớn và hạn chế trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí hoặc kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu. DNNVV thường khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính và công nghệ vượt trội.

7. Quy trình xuất nhập khẩu phức tạp: Các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu mặc dù đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên vẫn còn rườm rà, mất thời gian và đòi hỏi nhiều giấy tờ, khiến DNNVV gặp khó khăn trong việc thực hiện giao dịch thương mại quốc tế.

8. Rào cản từ các biện pháp phi thuế quan: Mặc dù thuế quan giảm, các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, và các yêu cầu khác vẫn là trỏ ngại lớn đối với DNNVV khi xuất khẩu hàng hóa.

9. Thiếu sự hỗ trợ và kết nối từ các cơ quan chức năng: Sự thiếu phối hợp và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề trong việc cung cấp thông tin, đào tạo và kết nối với thị trường quốc tế cũng là một hạn chế đối với DNNVV.

10. Rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu: DNNVV cũng phải đối mặt với các rủi ro như: biến động tỷ giá, giá nguyên liệu, hay các thay đổi chính sách thương mại quốc tế. Đây là những yếu tố làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DNNVV.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến động, sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài càng trở nên cấp thiết đối với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Vì thế, “Vai trò kết nối, xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các cơ quan này là chìa khóa để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững và khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế”, ông Nam nhấn mạnh.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là cầu nối hỗ trợ DNNVV vươn ra thế giới
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME), cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp hơn 40% GDP và 30% ngân sách của Việt Nam.

Sự hỗ trợ toàn diện từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp DNVVN có thể vượt qua các rào cản

Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban quản lý Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh rằng sự kiện ngày hôm nay sẽ là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp khu vực phía Bắc trực tiếp trao đổi với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như đại diện một số bộ, ngành và địa phương. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ thực tiễn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường quốc tế sẽ được phản ánh rõ nét.

Không những thế, các cơ quan của Việt Nam tại nước ngoài cũng cần xây dựng các giải pháp thiết thực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối đối tác quốc tế và gia tăng năng lực cạnh tranh. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Thực tế, việc phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được xem là một giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm giúp DNNVV trong nước vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu Việt trên toàn cầu.

Đến nay, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã hiện diện ở phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về kiến thức, thị trường, văn hóa, ngôn ngữ... và là điểm tựa, cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài để kiến nghị, điều chỉnh chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp, đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế - thương mại.

Với sự hỗ trợ toàn diện từ các cơ quan này, DNVVN Việt Nam có thể vượt qua các rào cản, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp và các cơ quan trong nước sẽ tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, giúp DNVVN không chỉ phục hồi sau đại dịch, mà còn phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), Bộ Ngoại giao (Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) và Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” đã tổ chức 3 hội thảo về tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế, tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội vào các ngày 26, 28 và 30/12.

Các hội thảo này được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường vai trò, sự chủ động và liên kết của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ thông tin để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế, góp phần phục hồi kinh tế, kết nối chuỗi cung ứng hậu Covid-19; Tạo cơ sở xây dựng kênh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ quan đại diện thống nhất, thường xuyên; và Nâng cao năng lực đề xuất giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và năng lực xây dựng chính sách liên quan cấp địa phương.

Với các đại biểu là đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, một số bộ, ban, ngành liên quan, các chuyên gia và nhà nghiên cứu, chuỗi hội thảo đã là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trao đổi trực tiếp, thực chất với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, về những khó khăn, nhu cầu cần hỗ trợ trong tham gia thị trường quốc tế./.