Để DNNVV mở cánh cửa ra thế giới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lưu ý gì?
Tại Hội thảo "Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ DNNVV hội nhập kinh tế quốc tế" chiều 26/12, các đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có những lưu ý với các DNNVV Việt Nam khi bước ra biển lớn.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ DNNVV phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Chuỗi hội thảo bắt đầu từ ngày 26/12 tại TP Hồ Chí Minh với các phiên thảo luận, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28/12, hội thảo sẽ diễn ra tại Đà Nẵng và ngày 30/12 tại Hà Nội.
Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình phát biểu trực tuyến tại Hội thảo 'Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế' được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều 26/12 |
Phần Lan chú trọng vào bền vững và trách nhiệm xã hội, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường
Theo Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình, Phần Lan thuộc khu vực Bắc Âu, là thị trường nhỏ với hơn 5 triệu dân. Kinh tế nước này đặc trưng bởi các công ty gia đình. Các doanh nghiệp vừa (1,1%), nhỏ (5,6%) và siêu nhỏ (93,1%) chiếm tới 99,8% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Phần Lan duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. Sự liên kết vùng này giúp thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khu vực Bắc Âu.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Phần Lan ở khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu từ cơ quan Hải quan Phần Lan, thương mại hai nước năm 2022 đạt gần 1,1 tỷ Euro, năm 2023 đạt gần 780 triệu Euro, 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 710 triệu Euro với cán cân nhập siêu từ Việt Nam.
Phần Lan chủ yếu nhập nguyên liệu sắt thép, thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại), tỉ lệ nhỏ hàng may mặc, giày dép và sản phẩm từ nông nghiệp.
Đại sứ Phạm Thị Thanh Bình cho rằng, Phần Lan là thị trường tiềm năng và ổn định do quốc gia này có nền kinh tế ổn định, với mức sống cao và nhu cầu tiêu dùng chất lượng.
Đặc biệt, với việc Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam được hưởng lợi từ việc giảm hoặc miễn thuế đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Phần Lan. Điều này tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn cho các DNNVV Việt Nam.
Đại sứ Phạm Thị Thanh Bình cũng chỉ rõ, thị trường Phần Lan nói riêng và EU nói chung có các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.DNNVV Việt Nam cần đầu tư vào cải thiện quy trình sản xuất để đáp ứng các yêu cầu này.
Chưa kể, 99% điều kiện tiêu chuẩn hàng nhập khẩu của Phần Lan đã được hài hòa hóa với EU, ngoài ra, Phần Lan còn áp dụng thêm một số quy định riêng. Quốc gia này cũng chú trọng vào bền vững và trách nhiệm xã hội nên đặt yêu cầu giảm thiểu tác động môi trường.
Các yếu tố như: sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, quy định pháp luật và thói quen tiêu dùng, đặc biệt việc thị trường Phần Lan nhỏ, vị trí địa lý xa xôi, chuộng các sản phẩm nội địa và nội khối… cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp SME Việt Nam.
Để xâm nhập vào thị trường đông dân Ba Lan, các DNNVV phải đáp ứng đầy đủ và chính xác các tiêu chuẩn nhập khẩu của EU
Theo Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, Ba Lan là nền kinh tế lớn thứ 6 tại châu Âu với mức tăng trưởng dương hằng năm và dân số lớn (khoảng 39 triệu dân). Với sức tiêu dùng lớn của người dân Ba Lan, đặc biệt số lượng cộng đồng Việt kiều tại Ba Lan khá lớn (khoảng 30.000 người), đây được coi là thị trường lớn cho các doanh nghiệp SME có thể khai thác.
Bên cạnh đó, hàng hóa Ba Lan còn cung cấp cho các nước Baltics như Lithuania, Latvia, Estonia và Ukraine. Do vậy, nếu có thể cung cấp hàng hóa vào Ba Lan cũng chính là cung cấp hàng hóa cho gần như toàn bộ khu vực Đông Âu.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực với nhiều ưu đãi thuế quan, được loại bỏ dần đều thuế nhập khẩu cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, khiến hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, Đại sứ Hà Hoàng Hải cũng lưu ý rằng, Ba Lan là thành viên của EU, do vậy, để xuất khẩu hàng hóa vào nước này, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ và chính xác các tiêu chuẩn nhập khẩu của liên minh. Đặc biệt, các DNNVV cần hết sức lưu ý để có thể đạt được các tiêu chuẩn này.
Đại sứ Hà Hoàng Hải cho rằng, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh tốt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đảm bảo tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn của châu Âu khi xuất khẩu hàng hóa vào Ba Lan nói riêng và EU nói chung.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dự trực tuyến Hội thảo 'Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế' |
Theo Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp, Qatar là một nước nhỏ thuộc khu vực bùng Vịnh, là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), dân số khoảng 3 triệu người.
GDP của Qatar dự báo đạt khoảng 221 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2024 đạt khoảng 71.500 USD. Dầu thô và khí thiên nhiên là trụ cột của nền kinh tế, chiếm hơn 70% nguồn thu.
Việt Nam và Qatar có quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 với nhiều hoạt động. Vừa qua, từ ngày 30/10-1/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Qatar, mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai nước.
Về những cơ hội đối với SME Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp cho biết, Qatar là một trong những quốc gia giầu có với thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm hàng đầu thế giới, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng cao, đa dạng về sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp cũng chỉ rõ những thách thức khi hợp tác với bạn. Thách thức đầu tiên chính là cạnh tranh, bởi thị trường Qatar nói riêng và các nước GCC có sự cạnh tranh gay gắt, mạnh mẽ từ các doanh nghiệp sở tại và các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn, công ty lớn, có uy tín, thương hiệu mạnh.
Quy mô thị trường Qatar nhỏ. Cơ cấu sản phẩm, mặt hàng của ta khá tương đồng với nhiều nước Nam Á, Đông Nam Á. Mặt khác nữa có thể thấy rất rõ là cơ cấu dân số của Qatar cũng là trở ngại không nhỏ đối với việc tiếp cận và khai thác thị trường sở tại khi mà người gốc Qatar có khoảng 11 % dân số với thu nhập cao, mức sống cao, khả năng chi tiêu lớn có xu hưóng ưa chuộng tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu của các nước châu Âu.
Trong khi đó, người nước ngoài nhập cư đến từ Nam Á, Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực chiếm phân lớn dân số của Qatar có thói quen và ưa tiêu dùng sản phầm truyền thống nhập khẩu từ các nước này.
Thị trường Qatar khá khó tính về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và có yêu cầu cần đáp ứng và cần có chứng nhận tiêu chuẩn Halal đối với thực phẩm.
Một yếu tố khác cần chú ý là sự khác biệt rất lớn về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, thị hiếu, thói quen tiêu dùng, tập quán kinh doanh, quy định pháp của sở tại có thể tạo ra những rào cản đáng kể trong giao dịch, hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác sở tại.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có những lưu ý quan trọng đối với các DNNVV khi bước chân ra biển lớn |
Các thách thức cần lưu ý khi tiếp cận và khai thác thị trường UAE
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Cán bộ phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp SME Việt Nam nỗ lực tiếp cận và khai thác thị trường UAE, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh vào UAE như: nông sản (rau quả, gạo), nông sản chế biến (tiêu, điều, cà phê, chè, quế, hồi, bánh tráng, bún, sữa, nước ngọt đóng lon,…), thủy sản và thủy sản chế biến, hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, bánh kẹo... và đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Dự kiến, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-UAE ước đạt trên 6,53 tỷ USD, tăng 39,20% so với cùng năm 2023; Việt Nam thặng dư thương mại lớn đối với UAE, khoảng 4,87 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí của Việt Nam sang UAE ước đạt 5,70 tỷ USD, tăng 42,0% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt trên 831 triệu USD, tăng 22,60% so với cùng kỳ năm 2023.
Về khó khăn, hạn chế khi tiếp cận và khai thác thị trường UAE của các DNNVV Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú nêu rõ, đầu tiên là do thiếu nguồn lực tài chính để tham gia vào các triển lãm quốc tế, thiết lập kênh phân phối, hoặc chi trả cho các chi phí marketing và truyền thông khiến doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo dựng mối quan hệ lâu dài tại UAE.
Người dân UAE còn thiếu thông tin về đất nước, con người, thị trường, doanh nghiệp, văn hóa Việt Nam. Sự hiện diện của Việt Nam tại UAE còn khiêm tốn so với các nước khác, như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…
DNNVV cũng chưa được trang bị đầy đủ thông tin về nhu cầu tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, tập tục kinh doanh, các xu hướng thị trường, các yêu cầu pháp lý, hải quan, quy định về nhập khẩu, chứng nhận chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...
Điều này khiến các DNNVV Việt Nam gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm và chiến lược tiếp cận phù hợp. Hầu hết các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của DNNVV Vie· chưa có chứng nhận Halal (trong khi đó Thái Lan đã phát triển thành nhà sản xuất thực phẩm Halal lớn thứ năm và xuất khẩu sản phẩm Halal lớn thứ 12 toàn cầu).
Cuối cùng là DNNVV Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác tại thị trường UAE về giá cả, do khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao hơn so với các nước khác; phải cạnh tranh với các nước hưởng chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu với UAE, có cùng dải mặt hàng với Việt Nam như: Ấn Độ, Indonesia...
Hệ thống bán lẻ chủ yếu tại UAE hiện nay do người Ấn Độ và Nam Á thống trị. Tình trạng tranh chấp, gian lận thương mại còn tương đối phổ biến tại UAE, và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn./.
Bình luận