Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ DNNVV “vươn ra biển lớn”
Tình hình thế giới và khu vực năm 2025 được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, song vẫn đem lại những cơ hội mới, trong đó nổi bật có 2 điểm là sự xuất hiện của các xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới, gắn với phát triển xanh, phát triển số, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, sự hứng khởi, quan tâm và đánh giá cao của các đối tác, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài về điều hành vĩ mô của Chính phủ, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo; đánh giá cao cơ hội của Việt Nam trong các xu hướng mới.
Năm 2025 cũng là năm tăng tốc, bứt phá, quyết định kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở các thành tựu về kinh tế, xã hội và đối ngoại thời gian qua, Bộ Ngoại giao và mạng lưới 93 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt trong tạo dựng môi trường ổn định và thuận lợi; huy động mọi nguồn lực phục vụ thương mại, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Xuyên suốt sẽ là sự song hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh |
Chiều 26/12, hội thảo với chủ đề "Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế" đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Đây là hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” (do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao chủ trì triển khai).
Hội thảo này sẽ tiếp tục tổ chức tại Đà Nẵng và Hà Nội.
DNVVN vẫn gặp không ít khó khăn, như hạn chế về nguồn vốn, thiếu thông tin thị trường, năng lực quản trị còn hạn chế và mạng lưới kết nối quốc tế chưa sâu rộng. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, DNVVN chiếm đa số trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam (chiếm gần 85%) và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đóng góp hơn 23% GDP của Thành phố vào năm 2021 và tạo ra 65% việc làm. Điều này cho thấy, DNVVN không chỉ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết vấn đề lao động và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trên địa bàn Thành phố; tham gia sản xuất xanh, bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng tới mô hình kinh doanh hiệu quả và cạnh tranh cao trên thị trường khu vực cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, DNVVN vẫn gặp không ít khó khăn, như hạn chế về nguồn vốn, thiếu thông tin thị trường, năng lực quản trị còn hạn chế và mạng lưới kết nối quốc tế chưa sâu rộng.
"Do vậy, DNVVN rất cần sự hỗ trợ của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường, khai thác các nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, qua đó tăng cường sức cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa", ông Thủy nhấn mạnh và nêu rõ, Hội thảo lần này là nơi để các doanh nghiệp và chuyên gia, ban ngành cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhấn mạnh hội nhập quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu không thể thiếu đối với các doanh nghiệp SME. Ông khẳng định: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam mang trong mình sứ mệnh đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới".
Ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng đây là thời điểm quan trọng để đặt ra vấn đề về sự đồng hành của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp. Những cơ quan này cần tạo ra một môi trường tương tác mạnh mẽ, cởi mở và minh bạch, đúng với chỉ đạo của Chính phủ về nâng cao vai trò ngành ngoại giao trong hỗ trợ phát triển kinh tế.
Hội thảo lần này không chỉ mang lại cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là động lực mới giúp các doanh nghiệp SME Việt Nam tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò của mình trên thị trường toàn cầu.
Còn bà Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Ban quản lý Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao khẳng định, thông qua vai trò kết nối, hỗ trợ đồng hành của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ và tiếp cận môi trường quốc tế, cũng như mở ra các cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp này, giúp doanh nghiệp “vươn ra biển lớn”.
Ở chiều ngược lại, bà Thủy nhận định thông qua những trao đổi sẽ giúp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về tình hình thực tế, nhu cầu của các hiệp hội doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng những chính sách, giải pháp tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường... một cách phù hợp./.
Bình luận