Các DNNVV hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn khi vươn ra "biển lớn"
Khảo sát nhanh của nhóm chuyên gia tư vấn dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Ngoại giao đề xuất và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho thấy, DNVVN của Việt Nam đang đứng trước áp lực to lớn trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia bằng hình thức trực tuyến. |
DNNVV đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tiếp cận thị trường nước ngoài
Cụ thể, nếu gạt ra những khó khăn cố hữu của DNNVV như hạn chế về vốn, thiếu kỹ năng quản lý, thì khi tiếp cận thị trường nước ngoài hay mở rộng ra nước ngoài các DNNVV dang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, theo khảo sát nhanh của nhóm chuyên gia tư vấn Dự án, thì các DNVVN đang thiếu khách hàng tại các thị trường mới (40%); thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế tại các thị trường nước ngoài (39%); khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%)... Thiếu thông tin tiếp cận thị trường và đối tác quốc tế (42%).
Những rủi ro từ tình hình chính trị thế giới bất ổn, biến động kinh tế toàn cầu (biến động tỷ giá, nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng): dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, giá chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng, dịch vụ logistic tăng.
Yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững chặt chẽ hơn tại một số thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tổ chức sản xuất, dây chuyền công nghệ, trong khi DN không đủ vốn để tiếp cận được những công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt, hiện các DNNVV Việt Nam đang thiếu sự hỗ trợ và kết nối của các cơ quan chức năng.
Vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng
Để vượt qua những khó khăn này, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ DNVVN tiếp cận cơ hội, vượt qua rào cản và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Cho đến nay, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã hiện diện ở phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Việc phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là nhiệm vụ chiến lược, mà còn là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về kiến thức, thị trường, văn hóa, ngôn ngữ... và là điểm tựa, cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài để kiến nghị, điều chỉnh chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp, đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế - thương mại.
Với sự hỗ trợ toàn diện từ các cơ quan này, DNVVN Việt Nam có thể vượt qua các rào cản, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp và các cơ quan trong nước sẽ tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, giúp DNVVN không chỉ phục hồi sau đại dịch, mà còn phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.
Các chuyên gia tư vấn của Dự án đề xuất, khuyến nghị đối với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài như sau:
- Thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp, xúc tiến thương mại: thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu, hội chợ triển lãm cùng chương trình xúc tiến thương mại, từ đó giúp DNNVV tìm kiếm cơ hội hợp tác và đối tác nước ngoài.
- Cải thiện hệ thống thông tin và tư vấn: xây dựng và tối ưu hóa các kênh thông tin, tư vấn chính thức để DNNVV nhanh chóng, dễ dàng tìm kiếm thông tin và dữ liệu cần thiết về các thị trường quốc tế, quy định xuất khẩu và cơ hội kinh doanh tiềm năng.
- Hỗ trợ về pháp lý quy định, tuân thủ và thuế tại các thị trường nước ngoài: Các cơ quan đại diện có thể thiết lập một số quy trình để có thể cử chuyên viên pháp lý góp mặt trong quá trình thương thảo hoặc cung cấp hỗ trợ pháp lý khi có yêu cầu từ DNNVV
Đặc biệt, cần xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan đại diện nước ngoài với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp với các thị trường trọng điểm tại các ngành hàng đó; quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành, cơ quan hữu quan với các cơ quan đại diện ngoại giao để hỗ trợ tiếp cận được nguồn lực quốc tế./.
Bình luận