Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc hỗ trợ DNNVV hội nhập kinh tế quốc tế
Trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), Bộ Ngoại giao (Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) và Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” dự kiến tổ chức 3 hội thảo về tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế.
Các hội thảo này được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường vai trò, sự chủ động và liên kết của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ thông tin để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế, góp phần phục hồi kinh tế, kết nối chuỗi cung ứng hậu Covid-19; Tạo cơ sở xây dựng kênh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ quan đại diện thống nhất, thường xuyên; và Nâng cao năng lực đề xuất giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và năng lực xây dựng chính sách liên quan cấp địa phương.
Dự kiến sẽ có 3 hội thảo được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội về về tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế vào các ngày 26, 28 và 30/12.
Dự kiến, có khoảng 100 đại biểu là đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, một số bộ, ban, ngành liên quan, các chuyên gia và nhà nghiên cứu sẽ tới tham dự hội thảo.
Với mục tiêu, ý nghĩa như trên, chuỗi Toạ đàm sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trao đổi trực tiếp, thực chất với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, về những khó khăn, nhu cầu cần hỗ trợ trong tham gia thị trường quốc tế.
Ngày mai, hội thảo sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, dự án Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới việc tăng cường sự tham gia chủ động, trực tiếp và toàn diện của các cơ quan đại diện trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy tiềm năng và tận dụng các cơ hội ngoài nước nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi và tham gia hiệu quả thị trường quốc tế thông qua các đợt khảo sát và toạ đàm trao đổi chuyên sâu.
Trong đó, các cuộc khảo sát nhằm cung cấp thông tin cập nhật, đa chiều về: (i) tình hình hội nhập, tham gia thị trường quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) thông tin về thị trường quốc tế và khả năng hỗ trợ của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Dựa trên kết quả khảo sát, các cuộc trao đổi chuyên sâu sẽ được tổ chức giữa các cơ quan hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ các vùng miền trong nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, nhằm đưa ra sáng kiến, kiến nghị chính sách góp phần tăng cường vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự án sẽ giải quyết 3 thách thức trong tăng cường vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài gồm: (i) cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ quan đại diện cần sự tổng hợp, gắn kết và chủ động; (ii) đáp ứng nhu cầu kết nối giữa cơ quan hoạch định chính sách trung ương, địa phương, các cơ quan đại diện và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và (iii) đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin kịp thời, hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về thị trường quốc tế, đối tác, dự án tiềm năng.
Dự án là sáng kiến đầu tiên tại cơ chế hợp tác ACMECS, hội tụ các cơ quan hoạch định chính sách cấp cao, cấp địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp khắp vùng miền cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định, phân tích và thực hiện chính sách thúc đẩy vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện.
Về Hợp tác ACMECS: Tháng 11/2003, khuôn khổ hợp tác Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mê Công được thành lập trên cơ sở đồng thuận giữa 4 nước thành viên là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, và Thái Lan. Tháng 11/2004, tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của cơ chế hợp tác. Khuôn khổ hợp tác nhằm tăng cường quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế giữa các nước tiểu vùng Mê Công, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách phát triển tại khu vực. Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 - 2023 xác định ba trụ cột của hợp tác là: (i) Kết nối thông suốt; (ii) Đồng bộ hoá các nền kinh tế ACMECS; và (iii) ACMECS thông minh và bền vững. Lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong việc tham gia vào thị trường quốc tế và tăng cường năng lực cạnh tranh: là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ chế ACMECS và nằm trong trụ cột thứ ba của Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 - 2023. Tại Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 9 vào tháng 12/2020, Lãnh đạo của 05 nước thành viên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đạt được thịnh vượng chung của khu vực. Mặc dù các nước thành viên đã tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế do các dự án có quy mô nhỏ, chưa có tác động lan toả và thiếu nguồn lực. Chia sẻ về các trở ngại này, ngày 20/12/2021, Nhật Bản khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa vai trò của nước này trong việc hỗ trợ các nước Mê Công phục hồi kinh tế, gắn kết hợp tác Mê Công - Nhật Bản với các cơ chế nội khối. Theo đó, Nhật Bản thông báo sẽ đóng góp cho Quỹ Phát triển ACMECS để các nước thực hiện các dự án có sức ảnh hưởng lớn, toàn diện về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, đồng thời tăng cường gắn kết, củng cố chuỗi cung ứng tại khu vực. |
Bình luận