Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận thức chuyển đổi xanh như “trái tim” của phát triển
“Tôi rất chia sẻ quan điểm với Giáo sư Khương trong phát biểu của mình chờ đợi làn sóng cơ chế, thể chế lần thứ hai đang bắt đầu. Các cơ chế đặc biệt cần không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn cần thử nghiệm, đột phá, mở đường cho sóng khởi nghiệp tiếp theo sau làn sóng thứ nhất là mở rộng quy mô phát triển. Làn sóng thứ hai chính là làn sóng chuyển đổi xanh, tạo lợi thế phát triển mới.”, TS. Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”, do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức diễn ra sáng nay, ngày 30/11, tại Hà Nội.
TS. Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VIAC cùng các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn |
Ông cũng cho rằng, thực tế, xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh mới chỉ bắt đầu từ những năm 2010, 2011 tại Việt Nam, với việc một số địa phương có chương trình chuyển đổi xanh, như tại Quảng Ninh. Trong chuyển đổi xanh, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện DNNVV gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số, 55% doanh nghiệp nhận thức được, song 98% doanh nghiệp cho biết là gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp ngành sản xuất phần lớn chưa nhận thức được khái niệm và sự quan trọng của chuyển đổi xanh, đây đó còn cho rằng, đó là sự xa xỉ, là sự kêu gọi có tính chất đạo đức nhiều hơn là về thương mại và hiệu quả kinh tế. Thực tế là DNNVV vẫn phải tập trung lo cơm áo gạo tiền, do đó cần thay đổi nhận thức chuyển đổi xanh là con đường độc đạo là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn. Đây là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Do đó, nhận thức của DNNVV cần tăng cường để thúc đẩy sự cần thiết và hành động của họ để chuyển đổi xanh. Tôi cũng nhận thấy, các tổ chức quốc tế rất quan tâm giúp Việt Nam trong chuyển đổi số và đây là điều rất cần thiết. Về phía Việt Nam, chúng ta đã nhận thức sớm và có chiến lược sớm, có Ban chỉ đạo về tăng trưởng xanh, nhưng từ chỉ đạo đến hành động thì còn rất dài, đó là vấn đề chúng ta cần khắc phục.”, ông Lộc nói.
Ông cũng chia sẻ, chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có việc xuất bản hướng dẫn về phát triển xanh, nỗ lực kết nối các nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh Việt Nam.
“Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trong quá trình chuyển đổi, khối DNNVV cần nhận thức chuyển đổi xanh như “trái tim” của phát triển doanh nghiệp hiện nay và tương lai. Hy vọng trên các sản phẩm, dịch vụ của DNNVV Việt Nam tới đây sẽ có dấu chỉ xanh để nói lên thực tế vào cuộc và trách nhiệm cụ thể trong góp sức phát triển xanh, định vị tương lai cho mình và thực thi tầm nhìn chiến lược của đất nước.”, ông Lộc nói./.
Bình luận