Cải cách thể chế tạo đà và tăng tốc phát triển DN: Nhìn từ việc thi hành Luật DN và Luật Đầu tư
Qua hơn 3 năm thi hành, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp
Sự ra đời và đồng hành cùng doanh nghiệp của các Luật này đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư thông qua hàng loạt những cải cách trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, thể hiện qua những kết quả đáng tự hào sau đây:
1. Giải phóng quyền tự do kinh doanh
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ ngày 01/07/2015 đến hết quý III/2018 (tính tròn 3 năm 2 luật trên có hiệu lực), thì đã có 381.196 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký mới là 3.458.218 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử với 131.275 doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký. Bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, trong năm 2018 cũng có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm 2017 và cũng là mức cao nhất trong 05 năm qua. Đây là những doanh nghiệp trước đây đã ngừng hoạt động, nhưng nay đã tìm thấy cơ hội kinh doanh, thấy niềm tin vào thị trường, nên đã quyết định quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có hai lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao là Xây dựng (tăng 33,8%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 29%). Đó là những tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp tăng lên thuộc hai lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế sẽ đóng góp vào tăng trưởng trong tương lai gần.
Trong năm 2018, trung bình mỗi tháng có 13.773 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 7,8% so với năm 2017. Quy mô doanh nghiệp mới ngày càng lớn hơn khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 từ lực lượng doanh nghiệp là 3.886.892 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, bao gồm: 1.478.101 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 2.408.791 tỷ đồng vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động, với 42.538 lượt đăng ký tăng vốn. Số lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn và số vốn tăng thêm đầy ấn tượng đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh khi những doanh nghiệp đang hoạt động, đang thực tế trải nghiệm môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục bổ sung một lượng vốn lớn vào nền kinh tế.
Nếu so sánh có thể thấy, sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực, giai đoạn 2016-2018, trung bình mỗi năm có 122.744 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.221.702 tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 03 năm trước đó (từ năm 2013-2015). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký liên tục tăng trong các năm từ 2016-2018 với tỷ lệ tăng trưởng trung bình lần lượt là 11,6%/năm và 35,9%/năm. Đây thực sự là những con số biết nói, cho thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, những chính sách, giải pháp của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ những rào cản trong kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua đã tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, giúp tăng cường cả về số lượng lẫn quy mô của khối doanh nghiệp tư nhân.
Có thể nhận định rằng, các cải cách tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã đóng vai trò như biện pháp cởi trói “nút thắt” của dòng tiền đổ vào nền kinh tế. Điều này không chỉ thể hiện thông qua sự gia tăng mạnh mẽ số vốn đăng ký thành lập mới, mà chính các doanh nghiệp đang hoạt động cũng không ngừng bổ sung vốn điều lệ để phục vụ việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với tinh thần tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
2. Giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Thứ nhất, đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được đơn giản hóa tối đa và tuân thủ theo thông lệ của các nước môi trường kinh doanh tốt, đó là: người thành lập doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm; cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Khung khổ pháp lý hiện hành đã cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định của Hiến pháp thông qua việc bãi bỏ quy định ghi ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý được chuyển hoàn toàn từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhờ bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, giảm đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, chi phí thực hiện thủ tục
Với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp, số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng đã tăng đột biến. Tuy nhiên, mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng cao, thời gian xử lý trung bình một hồ sơ lại giảm từ 4,24 ngày trong năm 2014 xuống còn 2,3 ngày trong 6 tháng đầu năm 2018. Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cũng đã ghi nhận chỉ số Gia nhập thị trường là lĩnh vực xếp thứ nhất về mức độ hài lòng so với lĩnh vực khác trong vòng 12 năm liên tiếp.
Bên cạnh đó, với mục tiêu giảm chi phí khởi sự kinh doanh và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kể từ ngày 20/01/2018, lệ phí đăng ký doanh nghiệp đã được giảm 50% so với quy định trước đây và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử (theo quy định tại Thông tư số 130/2017/TT-BTC, ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 215/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp).
Những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã được ghi nhận tại Báo cáo Doing Business - Môi trường kinh doanh năm 2019 do Ngân hàng Thế giới công bố. Chỉ số Khởi sự kinh doanh năm 2018 của nước ta đạt 84,82/100 điểm, tăng 19 bậc so với năm trước. Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong Chỉ số này tại Việt Nam, khi việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn bằng cách cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký kinh doanh. Báo cáo Chỉ số Đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã ghi nhận đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ hai về chi phí tuân thủ thấp nhất trong số 08 lĩnh vực được đánh giá.
3. Tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công cấp độ 4, nhanh gọn, thân thiện và minh bạch
Kể từ ngày 01/07/2015 đến nay, Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã trải qua 10 lần nâng cấp ở các cấp độ khác nhau nhằm đáp ứng các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp lý liên quan, đồng thời cũng thường xuyên cải tiến các ứng dụng theo hướng thân thiện, tối ưu cho người sử dụng. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới một dịch vụ hành chính công hiện đại, Hệ thống Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành. Hệ thống này đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người. Theo thống kê, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước năm 2014, chỉ dưới 1%, nhưng tính đến ngày 03/12/2018 tỷ lệ này là 59,33%; riêng Hà Nội đạt 99,7% và TP. Hồ Chí Minh đạt 61,38% - vượt chỉ tiêu so với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.
4. Thay đổi tư duy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp
Nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm” trong thành lập doanh nghiệp quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư, mà còn vì mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Một trong những cơ sở để nguyên tắc này thực sự phát huy hiệu quả chính là yêu cầu về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng những điều kiện mà doanh nghiệp phải tuân thủ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, thực hiện quy định tại Luật Đầu tư, Danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư, kinh doanh tương ứng đã được đăng tải, cập nhật trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và là địa chỉ tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội tìm hiểu và tra cứu các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định Điều 33 Luật Doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, từ khi xây dựng Cổng Thông tin đến nay đã có hơn 1,7 triệu lượt bố cáo trên Cổng và có xu hướng tăng cao qua các năm. Điều này góp phần thể hiện tính minh bạch, an toàn, cạnh tranh bình đẳng của môi trường kinh doanh, đồng thời, khẳng định vai trò của Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong việc cung cấp nguồn thông tin chính thống về doanh nghiệp phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và xã hội.
5. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin quản lý nhà nước
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần cải cách của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trong việc nâng cao cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng giúp kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương với người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp và các nghĩa vụ khác có liên quan. Song song với đó, việc thường xuyên có sự trao đổi, đối soát thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với hệ thống của cơ quan thuế đã tạo nền tảng cung cấp dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời về doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như việc xây dựng, hoạch định chính sách của Chính phủ và bộ, ngành các cấp.
Đặc biệt, với nguyên tắc “hậu kiểm” nêu trên, thì yêu cầu phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước cùng một cấp, giữa các cấp trong theo dõi, giám sát doanh nghiệp nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định. Đi cùng với đó là những quy định tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể khác có liên quan như các đối tác, khách hàng… tham gia theo dõi, giám sát doanh nghiệp và cả hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc liên kết, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin, Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng đang được triển khai thí điểm việc kết nối chia sẻ các thông tin đăng ký doanh nghiệp qua Trục kết nối quốc gia do Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì.
Có thể nói, hơn 3 năm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống là khoảng thời gian đầy thách thức đối với cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên cạnh tranh, các cơ hội kinh doanh liên tục xuất hiện và thay đổi, chuyển biến không ngừng, đưa ra yêu cầu cao về khả năng thích ứng và năng lực đổi mới, cải tiến nội tại của mỗi doanh nghiệp. Những kết quả đã đạt được nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện quyết tâm đổi mới vì người dân, vì doanh nghiệp của Chính phủ thì sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ then chốt, nhất là khi chương trình xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được gấp rút triển khai trong thời gian này./.
Bình luận