Cần làm rõ nhiều vấn đề, để thực hiện hiệu quả biện pháp quản lý giá thuốc
Chỉnh lý rõ ràng hơn điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 22/10/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ngay sau Phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức cuộc họp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan để thống nhất định hướng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp để chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 29/10/2024, Bộ Y tế cũng đã có Báo cáo số 1412/BC-BYT về dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật Giá năm 2023, để bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn danh sách các cơ sở phải thực hiện kê khai giá để các địa phương triển khai thống nhất, minh bạch trong lựa chọn |
“Hầu hết các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, trừ nội dung về quy mô dự án đầu tư mới trong phát triển công nghiệp dược được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Về chính sách của Nhà nước về dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát và đề xuất chỉnh lý Điều 7 (sửa đổi) theo hướng: Bảo đảm chỉ quy định những nội dung lớn mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết; chỉnh lý khoản 10; bổ sung chính sách “Có chính sách kiểm soát số lượng giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với các thuốc có cùng dược chất, dược liệu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.” tại khoản 14; bổ sung chính sách “Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động về dược” tại khoản 15.”, bà Thúy Anh cho hay.
Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, trên cơ sở ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật dự kiến chỉnh lý cụ thể, rõ ràng hơn điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc phải có bằng dược sỹ và có 2 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp như thể hiện tại khoản 1 Điều 17a (sửa đổi).
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, do đây là hình thức kinh doanh mới, trên cơ sở ý kiến của đại biểu, để bảo đảm quản lý kịp thời những tình huống có thể phát sinh trên thực tế, dự thảo Luật dự kiến bổ sung 1 khoản quy định các cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử phải tuân thủ quy định của Chính phủ về bán buôn, bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử như thể hiện tại điểm e khoản 4 Điều 42 (sửa đổi).
Về quản lý giá thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rà soát chỉnh sửa kỹ thuật tại Điều 107 (sửa đổi), đồng thời, dự kiến chỉnh lý khoản 3 Điều 112 (sửa đổi) để bảo đảm thống nhất thông tin giá thuốc kê khai chỉ cập nhật vào “cơ sở dữ liệu quốc gia về giá”.
Luật Dược lần này cần tạo ra một cơ chế ưu đãi đặc thù cho ngành dược
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành việc sửa đổi Điều 107 và Điều 109 Luật Dược, nhằm tăng cường quản lý giá thuốc, đặc biệt là với nội dung về biện pháp kiến nghị giá bán buôn thuốc dự kiến. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện, đề nghị làm rõ thêm một số nội dung như: Mức độ ràng buộc của kiến nghị đối với các cơ sở kinh doanh là như thế nào? Quy trình cụ thể để xử lý các kiến nghị và giải trình của các cơ sở kinh doanh ra sao? Việc kiến nghị giá bán buôn có ảnh hưởng như thế nào đến giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh? Việc làm rõ các vấn đề này sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện biện pháp quản lý giá thuốc này, đồng thời đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý cho dự thảo Luật |
Đối với việc sửa đổi Điều 12, Luật Dược liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề dược, ông Tùng cơ bản đồng tình với việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm, nhất là việc kéo dài thời gian không được cấp lại chứng chỉ từ 12 tháng lên 24 tháng đối với một số hành vi vi phạm quy định tại các khoản của Điều 28. Tuy nhiên, đề nghị xem xét lại quy định tại Khoản 4, Điều 28 về hành vi giả mạo giấy tờ trong hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề. Hành vi này mang tính chất nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành dược và thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Do đó, kiến nghị nên điều chỉnh thời gian không được cấp lại chứng chỉ đối với hành vi này tương đương với các hành vi vi phạm khác, tức là nâng lên thành 24 tháng.
Theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, cần có sự đột phá trong ưu đãi nhằm phát triển ngành công nghiệp dược. Cụ thể, về quy mô dự án đầu tư mới trong phát triển công nghiệp dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, cần cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đại diện VCCI, trong việc sửa đổi Luật Dược lần này cần tạo ra một cơ chế ưu đãi đặc thù cho ngành dược, nếu áp dụng mức hỗ trợ quá cao theo quy định của Luật Đầu tư, thì sẽ không phù hợp với thực tế và khó thu hút được nhà đầu tư. Qua khảo sát các dự án đầu tư trong khu vực, quy mô đầu tư trung bình vào ngành dược là khá khiêm tốn. Do đó, việc quy định một mức hỗ trợ phù hợp và cụ thể trong Luật Dược sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Ngoài ra, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cũng chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng cho ngành dược, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Việc đưa ra quy định ưu đãi đặc thù cho ngành dược trong Luật Dược sẽ giúp thu hút đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan có liên quan, cơ bản nhất trí với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp này, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật để rà soát kỹ thuật văn bản bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8./.
Bình luận