Cân nhắc tác động tổng thể của việc bổ sung sửa đổi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Bổ sung, sửa đổi và thêm mới đối tượng trong diện chịu thuế TTĐB
Bộ Tài chính cho biết, qua 16 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đạt được các kết quả quan trọng. Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TTĐB trong giai đoạn qua, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế đã bộc lộ một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện. Trong đó, đáng chú ý là đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Theo Luật Thuế TTĐB hiện hành, có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế này. Tham khảo chính sách các nước cho thấy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB của các nước rất đa dạng, ví dụ Trung Quốc thu thuế TTĐB đối với 15 nhóm hàng hóa; Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Ảnh: Internet |
Dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, theo tờ trình của Bộ Tài chính, để mở rộng cơ sở thuế, đồng bộ với pháp luật chuyên ngành có liên quan và luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư), tại dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mức thuế suất thuế TTĐB và/hoặc điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với một số mặt hàng/nhóm mặt hàng đang thuộc diện chịu thuế TTĐB như: thuốc lá, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe chở người và chở hàng, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống. Đặc biệt, dự thảo Luật sửa đổi có đưa vào bổ sung thêm đối tượng thuộc diện chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml, với mức thuế suất thuế TTĐB đề xuất áp dụng là 10% do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đối với nhóm dịch vụ, kinh doanh đặt cược và kinh doanh gôn là các loại hình dịch vụ đang là đối tượng chịu thuế TTĐB cũng được đưa vào diện sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật sửa đổi lần này.
Cần đánh giá kỹ tác động của việc sửa đổi bổ sung chính sách thuế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi với những nội dung sẽ có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, ngành hàng. Việc soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi ngày càng khó khăn và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mặt hàng chịu thuế vào dự thảo hay tăng thuế suất, điều chỉnh lộ trình áp dụng các mức thuế. Theo kế hoạch, Chính phủ và Bộ Tài chính cố gắng trình dự thảo Luật tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 vào tháng 10/2024. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. “Với những sửa đổi được đánh giá là sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng, việc cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo các chuyên gia và hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật là hết sức cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện Luật Thuế TTĐB, đảm bảo hài hòa các mục tiêu đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, giữ vững tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, Ban soạn thảo dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất. Đăc biệt, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay, cần cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng và cân nhắc lợi ích cuối cùng của sắc thuế”, ông Tuấn khuyến nghị.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi sẽ có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, ngành hàng. Ảnh: Internet |
Đây cũng là ý kiến chung của các chuyên gia, đại diện hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp tại Hội thảo khi cho rằng, việc sửa đổi bổ sung các quy định về thuế TTĐB đối với các mặt hàng và dịch vụ đều cần đảm bảo có sự cân nhắc xem xét kỹ lưỡng và thận trọng trong đánh giá tác động tổng thể, có tính tới việc hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội và cân bằng nguồn thu ngân sách, đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, môi trường. Vì vậy, cần đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện của Luật sửa đổi trên các mặt kinh tế, xã hội, trong đó có tác động tới người tiêu dùng, tác động kỳ vọng có được từ mục tiêu sửa đổi, và đặc biệt tác động trực tiếp/gián tiếp tới các doanh nghiệp, ngành nghề, chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng của Luật và các tác động theo hiệu ứng dây chuyền tới người lao động, tới nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng nói chung trong bối cảnh hiện nay cũng như thời gian tới.
Băn khoăn đánh thuế nước giải khát vì mục tiêu cải thiện sức khỏe
Liên quan đến việc đưa mặt hàng nước giải khát bổ sung vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB tại dự thảo Luật sửa đổi, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đang hết sức băn khoăn về mục tiêu đặt ra, cơ sở luận cứ và sự cần thiết đưa vào diện chịu thuế đối với mặt hàng này của Ban soạn thảo luật, cũng như những tác động và hệ quả mà việc này mang lại.
Các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới những bổ sung sửa đổi tại dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Ảnh: Internet |
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, việc bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB là để thực hiện các chủ trương về bảo vệ và cải thiện sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì (TCBP) đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khẳng định đây là cơ sở cần thiết để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, song các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý rằng, nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất dẫn đến bệnh TCBP và các bệnh không lây nhiễm. Dẫn kết quả nghiên cứu của WHO và Bộ Y tế, các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra bệnh TCBP như thiếu cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calorie cao, hoạt động thể lực kém do thiếu vận động thể chất, yếu tố di truyền, yếu tố kinh tế- xã hội, thiếu ngủ, tình trạng suy dinh dưỡng khi còn nhỏ... Ngoài TCBP, bệnh cao huyết áp và tim mạch là các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ mắc phổ biến cao hơn theo số liệu của Bộ Y tế công bố năm 2022, các bệnh này có mối liên hệ trực tiếp tới hàm lượng muối tiêu thụ - thực phẩm mà người Việt Nam đang tiêu thụ nhiều hơn mức khuyến nghị của WHO.
Theo Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN, đường và đồ ngọt nói chung chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng vào cơ thể nhiều nhất là từ ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%). Phân tích của các chuyên gia từ Bảng Thành phần dinh dưỡng của các thực phẩm của Viện Dinh dưỡng cùng kết quả từ khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, lượng đường và calo cung cấp từ nước giải khát thấp hơn nhiều so với các sản phẩm khác. Lượng đường trung bình trong nước giải khát là 11g/100 ml, thấp hơn mức trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo phổ thông (từ 29g/100g, một số loại vượt ngưỡng 40g/100g. Đặc biệt, nếu so sánh về mức năng lượng cung cấp từ các thực phẩm thì khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy lượng calo trung bình cung cấp từ nước giải khát có đường (44 kcal/100ml) thấp hơn nhiều so với các thực phẩm phổ biến khác, đặc biệt là các thực phẩm có chứa đường khác như sữa, bánh, kẹo.
Dẫn nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh giai đoạn 2018-2021, PGS TS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, chuyên gia Hội Khoa học Kỹ thuật và An Toàn thực phẩm cho biết, những loại thực phẩm được học sinh phổ thông ở cả thành thị và nông thôn tiêu thụ nhiều nhất là ngũ cốc, chất đạm, chất béo và sữa; tiếp theo đó là các loại thực phẩm có chứa đường như bánh, kẹo, kem…, và nhóm cuối cùng là các loại đồ uống khác.
Đáng chú ý, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia đã chỉ ra rằng, tỷ lệ TCBP ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Đặc biệt, so với nước ngọt, tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem, chè…) cao hơn rất nhiều, chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy tỷ lệ TCBP không có mối tương quan với việc tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường.
“Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh TCBP, vì vậy nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường, thì không giải quyết triệt để được tình trạng TCBP và các bệnh không lây nhiễm. Cần có các giải pháp tổng thể phù hợp, đúng với thực trạng hiện nay để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh TCBP và các bệnh không lây nhiễm cho người tiêu dùng như tăng cường và tuyên truyền về cân bằng dinh dưỡng, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm và cân bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, tăng cường hoạt động thể chất…”, PGS TS. Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh. Đứng trên góc độ cơ sở xem xét đưa nước giải khát có đường vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện mục tiêu giảm tình trạng TCBP và các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, cần có các nghiên cứu cụ thể đánh giá mối liên hệ giữa thực trạng TCBP và việc tiêu thụ nước giải khát có đường tại Việt Nam để xem xét tính hợp lý của cơ sở đề xuất đưa mặt hàng nước giải khát vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Đồng tình quan điểm này, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, trong bối cảnh có nhiều loại thực phẩm và đồ uống có chứa đường và có hàm lượng calorie cao trên thị trường, nếu chỉ áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, thì không thể giải quyết triệt để được vấn đề TCBP và các bệnh không lây nhiễm, trong khi có thể dẫn tới một chính sách mang tính phân biệt giữa đồ uống có đường với các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calorie cao khác.
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, nếu chỉ áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường thì không giải quyết triệt để được vấn đề TCBP và các bệnh không lây nhiễm. Ảnh: Internet |
Mặt khác, bà Vân Anh cũng dẫn số liệu báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm, số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020. “Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm đáng kể. Mức độ tiêu thụ này là khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nước có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng vẫn duy trì có tỷ lệ TCBP ở mức thấp mà không cần áp dụng công cụ thuế lên sản phẩm này. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở châu Âu là 243,9 lít/ người, tức là gấp gần 4,8 lần so với Việt Nam. Các quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người cao nhất ở châu Âu là Đức (336,3 lít/người), Hungary (310,3 lít/ người) và Bỉ (272,4 lít/người). Trong số 26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ nước giải khát trên 100 lít/người/năm chỉ có 11 quốc gia áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát. Đức mặc dù là nước có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao nhất châu Âu cũng không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát.
Tại châu Á, nhiều nước cũng có mức tiêu thụ bình quân đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm như Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 169,28 lít/người/năm và 96,51 lít/người/ năm (theo số liệu dự báo của Statis năm 2023), nhưng đều không áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Nhật Bản không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, nhưng lại là quốc gia có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới với tỉ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%”, bà Vân Anh cho biết.
Tiềm ẩn các hê lụy kinh tế, xã hội
Bên cạnh những băn khoăn về tính hiệu quả thực tiễn của mục tiêu cải thiện sức khỏe, các chuyên gia cũng bày tỏ một số quan ngại về các hệ lụy kinh tế - xã hội mà việc đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có thế gây ra. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường là không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế khi người tiêu dùng có thể tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác mà có hàm lượng đường và calo thậm chí cao hơn nước giải khát trên thị trường. Đó là chưa kể chính sách này còn tác động tới người tiêu dùng là lao động phổ thông và dẫn tới rủi ro của việc gia tăng tiêu thụ các sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ở Việt Nam, ngoài nhóm nước giải khát sản xuất trên các dây chuyền công nghiệp còn có sự tồn tại phổ biến của nhóm đồ uống đường phố. Đây là các phân khúc khó khả thi để thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm, có thể ảnh hưởng có hại cho người têu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Phụng Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Internet |
Trên góc độ kinh tế, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam quan ngại về việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần. Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của thuế TTĐB đối với nước giải khát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện vào năm 2018-2021, chính sách này ảnh hưởng đến ngành nước giải khát là ngành chủ yếu gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có ảnh hưởng lên chuỗi giá trị với quy mô gấp 6-9 lần, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp bao gồm gồm 9.000 nhà cung ứng, phân phối và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Đó là chưa kể, việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía. Nếu bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu TTĐB với mức thuế 10%, thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là 880,4 tỷ đồng. Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế TTĐB ở mức 10% và tăng thuế GTGT thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát, thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1.069,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo bà Chu Thị Vân Anh, việc đánh thuế sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh. “VBA đề nghị xem xét cân nhắc chưa áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường vì hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ là không rõ ràng, trong khi nếu áp thuế sẽ gây ra các tác động ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế. Việc giữ bình ổn môi trường kinh doanh, chưa bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ giúp cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong ngành nước giải khát nói riêng có thể yên tâm phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động và đóng góp bền vững vào ngân sách nhà nước”, bà Chu Thị Vân Anh nhấn mạnh kiến nghị.
Đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), bà Lê Thùy Linh - Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội thảo để Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi. Luật thuế TTĐB sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào 5/2025. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chương trình, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến công khai về hồ sơ của dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi đầy đủ theo quy định. Ngoài việc đăng tải dự thảo Luật sửa đổi công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, để lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, Bộ Tài chính còn gửi văn bản trực tiếp cho các bộ, ngành, địa phương, VCCI, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các hiệp hội liên quan để tiếp tục lắng nghe các ý kiến và sẽ tổng hợp một cách toàn diện nhất để hoàn thiện dự thảo Luật./.
Bình luận