Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Thường trực Tiểu ban Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị của Tiểu ban làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sáng ngày 01/8/2024.

Cần sớm tổng kết các cơ chế thí điểm với một số địa phương để có thể áp dụng rộng rãi
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Trần Hồng Hà (bên phải) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: XUÂN HẬU

Cùng tham dự Hội nghị có Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía các địa phương, tham dự Hội nghị có các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Tại Hội nghị, sau phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà định hướng các nội dung trọng tâm của buổi làm việc, các đồng chí đại diện lãnh đạo các địa phương đã phát biểu về những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 của địa phương, và trao đổi những đánh giá chung về 5 năm triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của vùng cũng như cả nước.

Các ý kiến phát biểu đồng thời nêu bật các khó khăn, “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển các địa phương nói riêng và vùng, cả nước nói chung. Trong đó, các vấn đề được quan tâm nhất là về đổi mới thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông và huy động nguồn lực cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quan hệ hợp tác giữa một số tỉnh trong vùng với các địa phương của nước bạn Lào… Các địa phương cũng chia sẻ một số sáng kiến của địa phương và cần được tạo hành lang pháp lý chung để triển khai thuận lợi hơn như hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã đưa ra nhiều đề xuất đối với Tiểu ban trong quá trình xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 5 năm 2026-2030. Vấn đề được nhiều địa phương quan tâm là cần sớm tổng kết các cơ chế thí điểm, đặc thù đối với một số địa phương để có thể áp dụng rộng rãi các cơ chế phù hợp, đã chứng minh hiệu quả, tạo mặt bằng, khuôn khổ chung cho các địa phương trong vùng cũng như cả nước. Các địa phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ và đồng tình với chủ trương phát triển đường sắt tốc độ cao.

Bên cạnh đó, các vấn đề như xây dựng thể chế, cơ chế cho các mô hình mới của các địa phương như khu thương mại tự do, phát triển kinh tế gắn với phát huy giá trị di sản; hỗ trợ phát triển nhằm tạo ra các doanh nghiệp trong nước mạnh; tăng cường xã hội hóa để huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả liên kết vùng; tăng cường chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân cũng được nhiều địa phương kiến nghị.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đúng trọng tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo các địa phương. Các ý kiến đã cho thấy những nhóm vấn đề chung mà các địa phương đều quan tâm và cần được nghiên cứu, truyền tải phù hợp vào văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới việc xây dựng pháp luật theo hướng phải tạo được không gian phù hợp cho sáng tạo, đổi mới nhằm thúc đẩy phát triển. Cần xây dựng thể chế cho các mô hình kinh tế mới, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thể chế cho liên kết vùng, thể chế khuyến khích năng động, sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm...

"Việc thí điểm các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số địa phương cần được sớm tổng kết, đánh giá để áp dụng chung cho nhiều địa phương", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu bật tầm quan trọng của giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát triển các ngành kinh tế, công nghiệp nền tảng và làm chủ công nghệ. Trong hội nhập, cần xác định rõ vị trí, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có sự tham gia vào các công đoạn phù hợp với từng giai đoạn phát triển, bảo đảm hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả việc phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài trong các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, liên kết vùng cần tiếp tục được tăng cường thông qua đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Tổ Biên tập của Tiểu ban nghiên cứu, tiếp thu các vấn đề các địa phương đã báo cáo và trao đổi tại Hội nghị để xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 vừa ở tầm khái quát của cả quốc gia, vừa thể hiện được những nét đặc thù của mỗi vùng một cách phù hợp./.