Sáng 21/6, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng dự buổi làm việc của Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Cần xây dựng đường lối “đúng, trúng”, phù hợp, khả thi, không đi ngược xu thế
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trang Nguyễn

Thống nhất một số vấn đề lớn, quan trọng trong Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội

Các Tổ Biên tập được thành lập để giúp việc các Tiểu ban trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương là Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Thường trực hai Tổ Biên tập đã tổ chức buổi làm việc, trao đổi về một số vấn đề lớn, quan trọng dự kiến được thể hiện trong Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa hai Báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo Kinh tế - Xã hội là báo cáo chuyên đề.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, thời điểm này phù hợp để 2 tổ họp. Phiên họp giúp 2 tiểu ban thống nhất chỉ đạo nội dung, nhất quán giữa 2 báo cáo, từ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp…

Đặc biệt trong việc đánh giá tình hình tập trung thảo luận Dự thảo Đề cương hai Báo cáo đánh giá 5 năm 2021-2025 đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật, với nhiều điểm sáng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra; những kết quả về tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô là rất tích cực trong bối cảnh có nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu nhận định, bối cảnh khó khăn cả từ bên ngoài và bên trong, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta có xu hướng chậm lại qua các kỳ chiến lược; Cần phải đánh giá đúng tình hình khó khăn, các mặt hạn chế trong phát triển để có các giải pháp mới, mang tính đột phá nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2021-2025, chúng ta 3 năm liền không đạt, tốc độ tăng trưởng bình quân của 2021-2025 mặc dù là tốt, nhưng chúng ta chưa đạt; tái cơ cơ cấu kinh tế chưa đạt, khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực cho phát triển…

Bộ trưởng chỉ rõ, tình hình khó khăn để đạt được mục tiêu Đại hội 13, các quan điểm giữ nguyên, nhưng có thể bổ sung 1 số thành tố.

"Phải có tư duy phát triển mới, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội để vượt qua thách thức, chủ động quyết định tương lai phát triển đất nước", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh rằng, hiện chúng ta nói nhiều tới đối phó, tới ứng phó, thích ứng. Trong khi chúng ta phải ở tâm thế chủ động, kiến tạo để quyết định tương lai của mình. "Thế giới đã đặt ra những vấn đề mới, chúng ta có dám thay đổi không?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Cần xây dựng đường lối “đúng, trúng”, phù hợp, khả thi, không đi ngược xu thế
Bộ trưởng chỉ rõ, tình hình khó khăn để đạt được mục tiêu Đại hội 13, các quan điểm giữ nguyên, nhưng có thể bổ sung 1 số thành tố. Ảnh: Trang Nguyễn

Cần lựa chọn mục tiêu nào tốt nhất đất nước, tạo khí thế, niềm tin, động lực mới, thắng lợi mới

Phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, chúng ta cần xây dựng đường lối “đúng, trúng”, phù hợp, khả thi, không đi ngược xu thế, dòng chảy của thời đại; phát huy tối đa nguồn lực đất nước; cần có bộ máy, đội ngũ cán bộ nhận thức được đường lối của Đảng để cụ thể hóa; tổ chức thực hiện tốt đường lối, phải linh hoạt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. "Từ đó, chúng ta đưa ra các tư tưởng, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, cách tổ chức thực hiện", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng nêu rõ, về mặt đường lối, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là khá rõ, phù hợp tình hình thế giới và Việt Nam, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, được vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam, kết hợp truyền thống 4.000 năm lịch sử, văn hóa của dân tộc; chúng ta thực hiện 3 trụ cột chính xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu, là nguồn lực, động lực cho sự phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; thực hiện đường lối, phát huy bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”; xác định kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả; trong kinh tế có 3 đột phá chiến lược; thực hiện đường lối quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng-an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; văn hóa là nền tảng tinh thần, “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", văn hóa có tính dân tộc, đại chúng, khoa học; bảo đảm an sinh xã hội, công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi trọng công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; đi đôi với tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, ngoại lệ. Vấn đề là chúng ta cần thể hiện, minh hoạ cho rõ, tổng kết, bổ sung.

Đối với kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu 2 Tổ Biên tập cần phân tích kỹ bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ lịch sử loài người, hậu quả vẫn còn đến tận bây giờ, ảnh hưởng các nền kinh tế lớn; cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột và chiến tranh giữa các khu vực; thế giới về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh - Tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng - Tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh đó, mục tiêu của Việt Nam là cơ bản đạt được: kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường lao động đáp ứng được…

Cần xây dựng đường lối “đúng, trúng”, phù hợp, khả thi, không đi ngược xu thế
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương là Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện. Ảnh: Trang Nguyễn

Theo Thủ tướng, cả thế giới đang tăng trưởng thấp, trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng của Việt Nam là đáng tự hào, trân trọng; trong Báo cáo, cần lựa chọn mục tiêu nào tốt nhất đất nước, tạo khí thế, niềm tin, động lực mới, thắng lợi mới.

Về các mục tiêu lớn khác như phát triển đường cao tốc, Thủ tướng tin tưởng sẽ đạt được; cho biết, hiện nay hơn 40 tỉnh, thành phố đang vào cuộc tích cực để phát triển hệ thống đường cao tốc bằng các nguồn lực khả thi chứ không phải “trên giấy”. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã hoàn thành hơn 1.000km đường cao tốc, kết thúc nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành tiếp 1.000km nữa.

"Xuyên suốt là chúng ta bảo đảm an sinh xã hội, chất lượng đời sống của nười dân, công bằng, bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề xuyên suốt trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn; phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó vận dụng đường lối sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, khi tình hình thế giới thay đổi, thì cách tiếp cận của Việt Nam là đi lên từ nội lực là chính, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực nội tại là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, coi đây là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định. Cách làm của chúng ta là đúng vì có kết quả.

Về nguồn lực, Thủ tướng cho rằng, phải huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, thực hiện 3 đột phá chiến lược để huy động nguồn lực. Thể chế cũng là nguồn lực, động lực, mục tiêu cho sự phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, giám sát; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Hiệu quả là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta ngày càng trưởng thành cả về lý luận, tổ chức thực hiện, tầm nhìn, cách tiếp cận và tư duy xử lý các vấn đề trong nước và quốc tế hiện nay; ngày càng bản lĩnh để vượt qua các khó khăn; tăng cường đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trên nền tảng tổng kết này, cần bổ sung, hoàn thiện những điểm cơ bản của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn sắp tới, đến năm 2030 là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: tập trung vào mục tiêu kinh tế, kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp và cơ sở để đạt mục tiêu.

"Mục tiêu đặt ra để vừa thực hiện tăng tiềm lực đất nước, cũng là để chúng ta phấn đấu, thường cần đặt ra cao hơn chút để nỗ lực; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tập trung vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chú trọng nguồn nhân lực",Thủ tướng yêu cầu.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thực hiện quyết liệt các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, đi vào các ngành mới nổi.

"Cách huy động nguồn lực vẫn là phải tháo gỡ thể chế để huy động nguồn lực trong xã hội và nhân dân. Phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp" Thủ tướng nói và cho biết đang thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đề xuất ban hành 1 luật sửa nhiều luật, đề xuất ban hành một Nghị quyết để sửa các quy định.

Nhấn mạnh tinh thần cầu thị, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, cố gắng lớn, tập trung, nỗ lực cao, Thủ tướng đánh giá cao và mong muốn 2 Tổ Biên tập tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, các chuyên gia tích cực tham gia để đánh giá sát tình hình, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, hiệu quả cao, củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè và đối tác quốc tế./.