CEO MB chia sẻ tương lai Ngân hàng trong 5 năm tới
11 sáng kiến chiến lược của MB sẽ tập trung cho các sáng kiến về công nghệ; sáng kiến về hệ sinh thái; sáng kiến phục tệp khách hàng lớn và đa dạng... |
Những gì chúng tôi đang nói là những việc chúng tôi đang làm và làm một cách ráo riết. Thị trường sẽ nhìn thấy nhau rất nhanh, nhưng với một tổ chức, để duy trì được sự sáng tạo liên tục thể hiện năng lực cốt lõi, là việc không dễ bắt chước nhau... |
5 năm trước, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết, MB triển khai 21 sáng kiến chiến lược, nhưng trong 5 năm tới sẽ chỉ có 11 chiến lược, xoay quanh phương châm “hấp dẫn khách hàng”. 11 sáng kiến chiến lược sắp tới sẽ tập trung cho các sáng kiến về công nghệ; sáng kiến về hệ sinh thái; sáng kiến phục vụ tệp khách hàng lớn và đa dạng…, nhằm đạt con số 20 triệu khách hàng, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược “Trở thành Doanh nghiệp số, Tập đoàn tài chính dẫn đầu”.
Về hiệu quả hoạt động, ông Lưu Trung Thái cho biết, Chiến lược 2022 - 2026 đặt ra mục tiêu tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2026. Mục tiêu cụ thể, MB phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng vào năm 2026 và đạt con số lợi nhuận 45.000 tỷ đồng vào năm này. Tổng giám đốc cho biết, tăng trưởng năng suất so với tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế cho thấy, những cải tiến của Ngân hàng thời gian qua đang mang lại hiệu quả rất tích cực.
Nếu như cuối năm 2016, vốn hóa MB mới đạt 1,1 tỷ USD thì đến cuối năm 2021, vốn hóa của MB đạt 4,7 tỷ USD. Cổ đông, nếu nếu nắm cổ phiếu MB trong giai đoạn 2016 đến nay sẽ đạt lợi nhuận hơn 4 lần. Tại Hội nghị, lãnh đạo MB cảm ơn sự tin tưởng của nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích, trong thời gian qua đã giúp thị trường hiểu hơn về MB.
Năm 2022, MB tăng tốc đẩy mạnh triển khai các sáng kiến chiến lược hướng tới “Chuyển đổi số toàn diện - Hiệp lực tăng trưởng doanh thu”. Theo đó, MB tiếp tục dẫn đầu thị trường về số lượng thu hút khách hàng mới trên kênh số, phát triển nhà máy số, mở rộng hệ sinh thái số, ứng dụng công nghệ Agility, phát triển nền tảng ngân hàng giao dịch CIB, ngân hàng dịch vụ (BAAS)… Hiện nay, MB đang có 13 triệu khách hàng, trong đó 11 triệu khách hàng dùng nền tảng số.
Chia sẻ về điểm khác biệt của ngân hàng số MB, ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối Ngân hàng số cho biết: “Ngân hàng lõi (core banking) của MB được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin nội bộ, thay vì phụ thuộc vào đối tác thứ ba”. Theo ông, đó là lý do nhiều tính năng mới trên App MBBank được phát triển và chủ động nâng cấp chỉ trong 24 giờ.
Hiện nay, trong cấu trúc 16.000 nhân sự làm việc tại toàn Tập đoàn MB, có đến 1.500 nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ và số hóa. Với nguồn lực hùng hậu về công nghệ, MB liên tục triển khai các sáng kiến mới, riêng năm 2021, tạo ra 250 tính năng mới cho sản phẩm, tác động trực tiếp đến khách hàng sử dụng các App MBBank. Theo đó, số lượng khách hàng dùng app MBbank tăng 3,1 lần trong năm 2021, giao dịch trên ngân hàng số tăng 4,3 lần. Số lượng khách hàng mới đến với MB trong 1 năm gần bằng với 26 năm trước đây.
Năm 2021, MB liên tục triển khai các sáng kiến mới, tạo ra 250 tính năng mới cho sản phẩm, mang lại lợi ích cho các khách hàng sử dụng các App MBBank |
Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Lưu Trung Thái cho biết MB theo đuổi chiến lược công nghệ linh hoạt và làm chủ. Sự đầu tư bàn bản và tự chủ giúp MB chủ động mở rộng không gian tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy sự tối ưu về mạng lưới và năng suất lao động của nhân sự Tập đoàn. Năng lực công nghệ hiện nay của MB đủ sức phục vụ 10-30 triệu khách hàng. Tại MB, 35% hồ sơ cho vay đã được tự động hóa.
Một điểm mới được ông Lưu Trung Thái chia sẻ trong trọng tâm phát triển tín dụng tới đây của MB là sẽ tận dụng lợi thế công nghệ để phát triển các khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, phục vụ họ tương tự như các khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, MB tiếp tục phát huy thế mạnh trong mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp lớn. Với phân khúc khách hàng lớn, MB đã và sẽ làm sâu sắc các ngành có triển vọng phát triển ổn định và tăng trưởng cao. MB cũng quan tâm nhiều hơn đến ngành có tiềm năng phát triển cao trong chuỗi cung ứng tương lai, nhất là các doanh nghiệp sản xuất. “Đây là hướng chính cho dòng chảy tín dụng từ Ngân hàng”, ông Thái nói.
Trong bài trình bày mở đầu, ông Đàm Nhân Đức - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển MB đã điểm lại những kết quả tích cực trong giai đoạn 2017 – 2021. Cụ thể: Lợi nhuận trước thuế tăng gần 3,6 lần từ 2017 - 2021 với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 38% mỗi năm, riêng năm 2021, con số này tăng 55% so với năm 2020. Đến năm 2021, MB chính thức ghi nhanh trong câu lạc bộ các doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế trên 10 nghìn tỷ đồng. MB giữ vững các lợi thế về nguồn vốn giá rẻ với tỷ lệ CASA liên tục gia tăng qua các năm và đạt 49% vào cuối năm 2021.
Liên quan đến câu hỏi của nhà đầu tư về cổ tức Ngân hàng dự kiến chi trả sắp tới, đại diện khối tài chính MB cho biết, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 27/4/2021 đã thông qua mức chi trả là 10-15%. Hiện nay, khối tài chính MB đang xây dựng các kịch bản để báo cáo với Hội đồng quản trị. Với kết quả kinh doanh tốt hơn, MB sẽ cân nhắc khả năng chi trả cổ tức tăng tương ứng.
Nhà đầu tư cũng quan tâm đến hiệu quả kinh doanh quý I/2022 của MB, ông Lưu Trung Thái cho biết, dự kiến toàn Tập đoàn sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trên nền tảng Ngân hàng mẹ và các công ty thành viên đều vững đà tăng trưởng cao của năm 2021.
Cũng tại Hội nghị, Tổng giám đốc MB khẳng định, Ngân hàng không có ý định thoái vốn tại 2 công ty thành viên là MIC và MBS, vì đây là những hạt nhân giúp MB hoàn thiện cấu trúc Tập đoàn tài chính hàng đầu.
Hội nghị diễn ra trong không khí đối thoại, cởi mở, qua đó MB cung cấp thông tin cập nhật và chuyên sâu cho những nhà đầu tư quan tâm. Sự kiện có sự tham gia của hơn 300 đại diện nhà đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán trong và ngoài nước, các nhà đầu tư khác quan tâm tới cố phiếu MBB.
Một số cổ đông băn khoăn về việc MB chia sẻ chiến lược phát triển, ý tưởng kinh doanh mới, vậy có quan ngại đối thủ sẽ nắm bắt và cạnh tranh không? Trước câu hỏi này, Tổng giám đốc MB khẳng định: “Những gì chúng tôi đang nói là những việc chúng tôi đang làm và làm một cách ráo riết”. Cũng theo Tổng giám đốc MB, thị trường sẽ nhìn thấy nhau rất nhanh, nhưng với một tổ chức, để duy trì được sự sáng tạo liên tục mới là cốt lõi, là việc khó. “Duy trì năng lực sáng tạo cao và liên tục là không dễ bắt chước”, Ông nói./.
Bình luận