Chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về sai sót, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm toán
Tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng nay (ngày 18/3), Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức… Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm. Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm, mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, luật nghiêm cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm |
Giải đáp câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót, thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Đặt câu hỏi đối với vấn đề có liên quan, Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Tài chính có giải pháp gì để quản lý các công ty bảo hiểm thời gian tới nhằm hạn chế những bất cập?
Bộ trưởng cho biết, hiện có 82 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ; có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Doanh thu bảo hiểm trong năm 2023 giảm 8% so với năm 2022, trong đó, bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 13%, bảo hiểm phi nhân thọ giảm gần 3%. Như vậy, nhu cầu của người dân mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy đảm bảo cho cuộc sống lâu dài giảm đi. Tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ có giải pháp đảm bảo thị trường bảo hiểm hoạt động công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, đúng quy định pháp luật.
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, nên chăng cần thanh tra toàn diện và diện rộng đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ để quản lý được tốt hơn trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã thanh tra được 10 công ty bảo hiểm và kế hoạch trong năm tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 công ty bảo hiểm. Như vậy lần lượt sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, ngoài thanh tra theo kế hoạch để chấn chỉnh những sơ hở, những vi phạm, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm… để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm; kịp thời xử lý sai phạm để bảo đảm các công ty bảo hiểm khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.
Chất vấn về doanh nghiệp kiểm toán có sai sót, tiêu cực
Những bất cập, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm toán đã được đại biểu Quốc hội chất vấn tư lệnh ngành Tài chính. Cụ thể, đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, theo báo cáo, cả nước ta hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp sai sót, tiêu cực… Do vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp giải quyết tình trạng này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số vụ án hình sự. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
“Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên; đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; việc tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm…”, ông Phớc khẳng định.
Giải pháp về xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư
Một vấn đề “nóng” trong lĩnh vực tài chính được đại biểu Quốc hội chất vấn Người đứng đầu Bộ Tài chính là xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng, doanh nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân chưa quan tâm đến việc xếp hạng tín nhiệm, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới, nhằm tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phát triển bền vững thị trường vốn.
Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hoạt động xếp hạng tín nhiệm, cấp phép cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng đối với nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Khi có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, sẽ tạo nên sự tin tưởng từ các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta mới có 3 tổ chức được xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 2 tổ chức có cổ phần của 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng của thế giới. Bộ Tài chính khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, giấy phép để thành công ty xếp hạng tín nhiệm. Các công ty này đóng vai trò như trọng tâm, phải đánh giá một cách đúng đắn, kỹ lưỡng, khách quan, chính xác, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực để đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quan tâm đôn đốc, triển khai công việc về vấn đề này./.
Bình luận