Đảm bảo tính minh bạch, nâng cao chất lượng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần phục hồi
Đánh giá về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, trong giai đoạn 2017-2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh, với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động, do ảnh hưởng của thị trường tài chính trong và ngoài nước, các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, doanh nghiệp hạn chế phát hành trái phiếu. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: VGP |
Với các giải pháp của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, trong năm 2023, thị trường TPDN bắt đầu có sự phục hồi, đặc biệt kể từ thời điểm sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 05/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, từ khi Nghị định này có hiệu lực đến hết năm 2023, đã có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 269,5 nghìn tỷ đồng, so với 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp chỉ phát hành được 882 tỷ đồng, cho thấy sự phục hồi tốt của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đã tích cực bố trí nguồn lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư, cũng như tái cơ cấu và gia hạn trái phiếu doanh nghiệp, nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết năm 2023 đạt 238 nghìn tỷ đồng và đã có nhiều doanh nghiệp đã có phương án đàm phán.
Sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thể hiện trong nửa đầu năm nay. Theo Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, có 41 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 so với cùng kỳ năm 2023), trong đó tổ chức tín dụng chiếm 63,2% (69,6 nghìn tỷ đồng), doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,6% (31,5 nghìn tỷ đồng).
Liên quan đến cơ cấu nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư là tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%); các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 5,2%. Lãi suất phát hành bình quân 7,41%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 3,78 năm; 14,5% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 59,8 nghìn tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023).
7 nhóm giải pháp chính điều hành, quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Liên quan đến giải pháp quản lý, điều hành nhằm tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, bên cạnh các giải pháp về chính sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường Hồ Đức Phớc. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán chịu trách nhiệm rà soát việc chấp hành quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, tổ chức tư vấn dịch vụ, trường hợp vi phạm thì chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ; đồng thời Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này...
Để tạo thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành với hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Do đó, để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành. Các nhóm giải pháp chính bao gồm: (i) Thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; (ii) Tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; (iii) Theo dõi thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; (iv) Tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; (v) Rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan; (vi) Nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; (vii) Tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước. Các giải pháp nêu trên đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các bộ, ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản. Trong đó, cùng với việc điều hành tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phù hợp, thì các biện pháp đảm bảo minh bạch, nâng cao chất lượng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh, qua đó phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn./.
Bình luận