Chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng
DNNVV gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn
Hiện nay, DNNVV của nước ta chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động. Khối doanh nghiệp này cũng đang đóp góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và tạo khoảng hơn 5 triệu việc làm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, DNNVV là lực lượng trụ cột sản xuất đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và ngân sách, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, cũng là nơi diễn ra các hoạt động cải tiến, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh phát triển; trong đó, tiếp cận tín dụng được xác định là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DNNVV hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DNNVV. Đồng thời, điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thế nhưng, dù đã nỗ lực, nhưng thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017. DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh hội thảo
Lý giải cho tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các DNNVV gặp vướng mắc trong tiếp cận vốn do thiếu hoạt động minh bạch, quản trị điều hành chưa bài bản, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược hoạt động cụ thể khiến các ngân hàng chưa yên tâm cấp tín dụng. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp này cũng không có đủ tài sản thế chấp để vay tiền tại các ngân hàng. Trong trường hợp cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro rất lớn về nợ xấu.
Áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các DNNVV cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và DNNVV.
Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan: thuế, đăng ký doanh nghiệp, thông tin tín dụng ngân hàng... Qua đó, giúp các ngân hàng và DNNVV chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DNNVV tốt hơn.
Đi tìm lời giải để hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch đảm bảo. Không bắt buộc phải làm nhiều thủ tục và công chứng nhiều tài liệu như hiện nay. Ngoài ra, cần tập trung phân cấp giao quyền cho chính quyền cơ sở xác nhận tình trạng tài sản, đất đai của người dân và doanh nghiệp làm cơ sở để làm tài sản đảm bảo vay vốn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải có các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể thực hiện hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế của Thái Lan, ông Suwanchai Lohawatanakul, Tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan cho rằng, trong mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế, các cơ quan nhà nước cần cập nhật chính sách, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng cường yếu tố nội lực, làm động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần lắng nghe doanh nghiệp, hỏi xem họ đang gặp vấn đề gì lớn để hỗ trợ họ.
Tại Thái Lan vào 20 năm trước cũng đặt mục tiêu ưu tiên giảm nợ xấu và thực tế đã chứng minh hướng đi đó là sai, là thất bại. Chính vì vậy, ông Suwanchai Lohawatanakul cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, giúp DNNVV họ từng bước phát triển và chia sẻ những khó khăn với DNNVV. Nếu không, các doanh nghiệp này sẽ không thể tồn tại.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần tự nỗ lực để phát triển bản thân và cho ngân hàng thấy được sự khả thi trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Còn ông Cấn Văn Lực nhận định, trong các hình thức tiếp cận vốn cho DNNVV, cần lưu ý cả những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên, như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính...
Trên cơ sở đó, ông Cấn Văn Lực đã đưa ra 5 khuyến nghị về chính sách, bao gồm: Cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV; Các biện pháp mạnh hơn để cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư (đặc biệt là thuế và hải quan, cấp phép và luật phá sản doanh nghiệp); Tăng cường vai trò của các hiệp hội DNNVV và hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng; Thiết kế các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn dành cho DNNVV của các tổ chức tín dụng; Hỗ trợ nhiều hơn trong hoạt động đào tạo, tư vấn quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và học vấn cho DNNVV...
Ngoài ra, về phía mình, các DNNVV cũng nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược, cũng như tài chính./.
Bình luận