Chính phủ thống nhất mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh các giao dịch điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử. |
Trước đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Luật Giao dịch điện tử hiện hành đã cho thấy những tồn tại, bất cập, việc sửa đổi Luật được cho là cần thiết để xây dựng nền kinh tế số…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 với 8 chương, 54 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006, Luật ra đời đã tạo cơ sở pháp lý, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên, sau hơn 16 năm ban hành, thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn và xu hướng phát triển mới.
Những hạn chế, tồn tại của Luật Giao dịch điện tử hiện hành trong quá trình áp dụng thực tiễn cụ thể như: Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử (chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử); Quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước; Quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; Quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm…
Từ đó cho thấy, việc xây dựng Luật (sửa đổi) Luật Giao dịch điện tử là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh của CMCN 4.0 như hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mục tiêu đặt ra trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là xây dựng Luật theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Đồng thời quy định cụ thể các cơ chế pháp lý phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử.
Cụ thể, nội dung xây dựng Luật (sửa đổi), bổ sung quy định về hành vi bị cấm liên quan tới: định danh điện tử và xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy, giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với nhau, giao dịch điện tử giữa cơ quan Nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.
Đối với các đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021 nêu rõ, Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật để có các chính sách mới phù hợp; đồng thời không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:
Thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử trong giao dịch thương mại, dân sự, kinh tế, tạo khung pháp lý ổn định cho các hoạt động giao dịch điện tử được áp dụng rộng rãi, nhưng cũng cần đánh giá kỹ tác động về phạm vi các loại giao dịch điện tử để bảo đảm tính khả thi, kiểm soát được.
Hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, đặc biệt cần tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu về thông tin cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng; có lộ trình và giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.
Các chính sách về quản lý dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số trực tuyến cần được phân tích kỹ tác động, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật này, tập trung vào các chính sách quản lý giao dịch điện tử trên nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến, hạn chế các tác động tiêu cực của các dịch vụ này đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Các chính sách cụ thể cần được dự báo phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, thống nhất với pháp luật hiện hành và tránh chồng lấn về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Rà soát các chính sách về nền tảng lớn, nền tảng đặc thù, nền tảng của nước ngoài sử dụng tại Việt Nam và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, quy định chặt chẽ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Rà soát các chính sách cụ thể trong Đề cương dự thảo Luật, làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật có liên quan, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động, bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV./.
Bình luận