Với 429/446 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Bộ luật Dân sự sửa đổi gồm sáu phần, 27 chương, 689 điều, sẽ có hiệu lực từ 01/01/2017.

Lãi suất cho vay tối đa là 20%/năm

Một trong những nội dung được đông đảo dư luận quan tâm là việc Quốc hội chốt phương án về lãi suất (Điều 468) tại Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Báo cáo giải trình Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có nhiều loại ý kiến liên quan đến cách xác định lãi suất vay giữa các bên.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự sửa đổi là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay (phương án 1 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi).

Loại ý kiến thứ hai tán thành sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu (phương án 2) và không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Loại ý kiến thứ ba không đồng tình với cả hai phương án trên, hoặc đồng tình,nhưng phải có thêm những bổ sung, sửa đổi.

Tán thành với loại ý kiến thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu quốc hội về mức lãi suất tối đa. Kết quả là có 278/366 đại biểu phiếu tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 Điều 468 cho bảo đảm tính khái quát, khả thi như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thương vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Đồng thời, do khoản 1 Điều 468 đã được chỉnh lý như trên theo hướng không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên cơ quan này cũng đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp như sau: “Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Tại phần biểu quyết thông qua riêng về Điều 468, có 410/440 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Có 24 đại biểu không tán thành và 6 đại biểu không biểu quyết.

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, được điều chỉnh hợp đồng

Tại Điều 420 về Sửa đổi hợp đồng trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đưa ra lấy ý kiến đại biểu nêu: 1/ Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng; 2/ Hợp đồng có thể được sửa đổi theo quy định tại Điều 419 của Bộ luật này; 3/ Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu.

Vấn đề này, qua thảo luận có hai loại ý kiến khác nhau. Ông Phan Trung Lý cho biết, về nguyên tắc, việc giao kết, thực hiện hợp đồng phải dựa trên ý chí tự do, tự nguyện của các bên.

Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp do những lý do khách quan dẫn đến hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức mà việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng nhưng không thể ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại và nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá sản.

Trên cơ sở kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung điều này theo hướng chỉnh lý chặt chẽ hơn.

Cụ thể, Điều 420 trong dự thảo cuối cùng được thông qua mang tên: Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trong đó nêu rõ các điều kiện để xác định thế nào là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án: Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Điều 420 cũng nêu rõ, trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

Một nội dung được dư luận rất quan tâm là, Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này là chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Cụ thể, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 37 về chuyển đổi giới tính với t lệ tán thành là 80,77%.

Điều 37 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.

Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Bộ luật Dân sự sửa đổi sửa đổi lần này cũng bổ sung một số điều mới về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (các điều 23, 46, 57, 58, 59).

Cụ thể, Điều 23 quy định về năng lực hành vi của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, trong đó chỉnh lý lại quy định về cơ chế giám hộ đối với đối tượng này cho khả thi và phù hợp với mức độ khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của nhóm đối tượng này.

Cùng với đó, quy định về cơ chế giám hộ đối với người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng được điều chỉnh lại cho khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn tại các điều 46, 57, 58, 59./.