Cần làm rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá

Theo chương trình Phiên họp thứ 11, sáng nay (ngày 11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, theo Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh: Hiện tượng làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi (ảnh: Quốc hội)

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm phân tích, đánh giá, làm rõ.

Liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt 18,48%, tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, cơ quan này trong việc chậm giải ngân...

“Thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định…”, ông Thanh cho hay.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo rõ hơn hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN. Đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế…

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục…

Nguồn vốn cho chương trình phục hồi kinh tế vẫn đang... "treo"

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Điều này thể hiện qua: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh: Hiện tượng làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi
Theo ông Nguyễn Phú Cường, việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế (ảnh: Quốc hội)

“Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Do đó, đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia…”, ông Cường nhấn mạnh.

Liên quan đến chi và cân đối NSNN năm 2022, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và đề nghị lưu ý Chính phủ sớm có biện pháp, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện. Việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh NSNN hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người yếu thế đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời…/.