Bộ trưởng nắm rõ tình hình lĩnh vực quản lý của Bộ

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sáng nay (ngày 8/6), theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhìn chung, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra (ảnh: Quốc hội)

“Nhìn chung, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới…”, ông Vương Đình Huệ nhìn nhận.

4 giải pháp trọng tâm cần triển khai

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn đã làm rõ thêm thực trạng, tình hình hiện nay và những phương hướng, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; cũng như các kết luận, nghị quyết công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Về một số giải pháp trong thời gian tới, cùng tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước hết là các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản, đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, xây dựng và quyết liệt triển khai chương trình hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa 13 về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Tham mưu cho Chính phủ tổng kết và đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2013. Thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Chú trọng phát triển quy mô hợp tác xã và tăng nhanh tỷ trọng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu đến hết năm 2025, có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác trang trại liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là một trong những bước đột phá để phát triển sản xuất quy mô lớn, thay thế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, giữa nông dân với nông dân; giữa nông nghiệp với doanh nghiệp. Củng cố tổ chức lại hệ thống phân phối nông sản, tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm trục sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP. Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Cùng tham gia trả lời chất vấn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch, để có được sự phát triển trong thời gian tới. Cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…

Xây dựng và triển khai đề án chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Thực hiện các giải pháp đột phá để gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistic nông sản, hệ thống kho lạnh, gắn với vùng xuất khẩu nông sản, gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản. Xây dựng và triển khai các đề án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, nhu cầu trong nước, điều tiết xuất nhập khẩu, vật tư nông nghiệp đầu vào, tăng cường kiểm tra minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Khắc phục tình trạng thiếu giống, thiếu chủ động về giống, vật tư nông nghiệp; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước, phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc một phần nguồn nhập khẩu.

Thứ tư, triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm loại hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép kiểm dịch thực vật và động vật. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ.

Xây dựng nhanh chóng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, khuyến khích số hoád, tích hợp các quy trình sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận công nghệ số và sản xuất, thương mại nông sản cho nông dân. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích đầu tư ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách xây dựng và triển khai các đề án thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ươm tạo và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp./.