Chưa bao giờ nguồn thu của báo chí bị tác động mạnh như bây giờ
Phát biểu đề dẫn của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã đặt trúng vấn đề nóng đang được đông đảo các cơ quan báo chí rất quan tâm và nỗ lực đi tìm lời giải.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã đặt trúng vấn đề nóng đang được đông đảo các cơ quan báo chí rất quan tâm và nỗ lực đi tìm lời giải. |
Việc đa dạng các nguồn thu gặp nhiều khó khăn
Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo thống kê của Bộ nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200 - 300 triệu cho đến mức 4 - 5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng 1,2 cơ quan báo chí.
"Có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ", Thứ trưởng lo lắng. Nguyên nhân được Thứ trưởng chỉ ra là xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống, hiện có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất.
"Chúng ta chưa thể nào thích ứng kịp, cũng không thể có cơ chế mạng xã hội, làm thế nào chúng ta theo thế đó", Thứ trưởng quan ngại.
Dựa trên dữ liệu nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, hiện có 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí, gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử.
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho thấy, hiện nay, các cơ quan báo chí Việt Nam có nguồn thu từ quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước/cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết và quảng cáo điện tử. Đánh giá cho thấy, doanh thu của báo chí Việt Nam đã giảm mạnh trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19.
Cụ thể, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020. Tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020. Những năm hậu đại dịch có xu hướng ổn định hơn nhưng mức phục hồi, tăng trưởng chậm. Cụ thể, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm.
Ông Đồng khẳng định, việc đa dạng các nguồn thu gặp nhiều khó khăn. Do đó, doanh thu từ độc giả vẫn là chặng đường dài.
Trong khi đó, việc đa dạng các nguồn thu đối với nhiều cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 7 cơ quan báo chí được khảo sát có doanh thu từ độc giả. 5 cơ quan báo chí doanh thu độc giả chỉ chiếm một phần rất nhỏ, không đáng kể trong doanh thu tòa soạn. 56,5% cơ quan báo chí chưa thu phí độc giả đọc báo điện tử không có dự định triển khai hình thức này trong 3 năm tới tuy nhiên việc thu phí này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Đồng cũng chỉ ra, những khó khăn khi triển khai thu phí độc giả, đó là, độc giả chỉ trả tiền để đọc một tờ báo trực tuyến; nhận thức về tầm quan trọng của dữ liệu độc giả còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng dữ liệu để hiểu và phục vụ nhu cầu độc giả chưa phổ biến. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí không thể thu phí khi không hiểu hành vi độc giả. Chính vì không hiểu nên có độ vênh giữa số lượng nội dung xuất bản và nhu cầu của người đọc.
Còn ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ ccho hay, nguồn thu từ quảng cáo và phát hành đã chiếm tới 75% trên tổng doanh thu của Báo, nhưng sau đó đã sụt giảm như đà không phanh, buộc phải tìm hướng đi mới.
Đại diện cho những cơ quan báo chí có nguồn thu trong top đầu trong cả nước, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cho biết, có hai nguồn thu chính, bao gồm từ hoạt động quảng cáo và tuyên truyền, chủ yếu để hỗ trợ làm phim tư liệu cho các sở, ngành trong tỉnh và các video clip giới thiệu doanh nghiệp. Trong đó, nguồn thu chính từ hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Và để tạo nguồn thu trên phát thanh, hiện nay, Đài đã thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream, các bản tin thời sự đầu giờ thông tin nhanh nhất các sự kiện vừa diễn ra, nhằm nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng.
Trên sóng truyền hình, từ năm 2014, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long bắt đầu thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, Đài liên kết sản xuất 40- 50 chương trình. Các chương trình liên kết này rất đa dạng về thể loại: từ chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo,…
Qua hoạt động liên kết, Đài đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo, đóng góp đáng kể vào nguồn thu và ổn định nguồn thu của Đài.
Đối với nguồn thu trên nền tảng số: xuất phát từ tình hình thực tế là sự dịch chuyển quảng cáo từ báo chí truyền thống sang các nền tảng số và mạng xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, nỗ lực khai thác mạng xã hội để đưa nội dung đến khán giả, tạo doanh thu, ổn định nguồn thu quảng cáo cho Đài.
Tuy nhiên, đánh giá của ông Lê Thanh Tuấn cũng cho thấy, bên cạnh thuận lợi thì Đài cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc khai thác nguồn thu tại đơn vị. Điển hình như hiện nay, với sự phát triển của internet, nhiều phương thức truyền thông mới ra đời, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của mình.
Ngoài ra, kinh tế thế giới và trong nước đã và đang suy thoái, khả năng phục hồi chậm, nên nguồn thu quảng cáo tiếp tục sẽ bị sụt giảm mạnh. Quy định mức thuế đối với báo chí hiện vẫn áp dụng theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (20%).
Phiên thảo luận được điều phối bởi ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư; cùng sự tham gia thảo luận của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; và lãnh đạo một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương. |
Về tầm ngắn hạn chính là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí
Ông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế báo chí Việt Nam được đưa ra, về tầm ngắn hạn chính là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội.
Về tầm dài hạn có thể triển khai các giải pháp như đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tuấn, trước những thuận lợi và khó khăn trên, trong thời gian tới, Đài tiếp tục tập trung sản xuất chương trình hướng đến công chúng. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan báo chí, ông cũng đề xuất để góp phần giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, có thể xem xét không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí. Hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm tùy theo sự biến động của nền kinh tế (miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mỗi lần 6 tháng hoặc một năm, giống như giảm thuế VAT hiện nay).
Kinh nghiệm tăng nguồn thu, sau khi nguồn thu từ quảng cáo và phát hành sụt giảm, của Báo Tuổi trẻ thực hiện là đó là chuyển đổi số. Cụ thể, Báo đã có những bước chuyển mới khi 75% nguồn thu hiện nay chuyển sang nền tảng số. Sự chuyển đổi này đến từ việc Báo đã đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên. Cùng với đó, báo cũng phải xoay sở vừa đặt mục tiêu giảm thiểu đà sụt giảm trên báo giấy, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.
Trao đổi về nội dung này, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, đa dạng không hẳn là chuyển sang nguồn thu mới mà cốt lõi của báo chí vẫn là chất lượng sản phẩm mà các cơ quan báo chí mang đến cho công chúng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng vi phạm bản quyền vẫn chưa thể kiểm soát được khi báo in chỉ vừa mới phát hành, chưa kịp đến tay bạn đọc thì nội dung đã xuất hiện trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử.
Về vấn đề này, ông Trần Xuân Toàn đề xuất nên có buổi đối thoại các nền tảng mạng xã hội với hội nhà báo và các cơ quan báo chí về việc tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo, cũng như chia sẻ nguồn thu cho các cơ quan báo chí khi khai thác dữ liệu, nội dung từ báo chí.
Trước đó, chiều 15/3, phát biểu tại phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
“Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Thắng hay bại là ở đây”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và nhấn mạnh rằng rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số cũng đã hơn chục năm, nhưng bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng"./.
Hội Báo toàn quốc 2024: Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng |
Bình luận