Co-founder: Chia sẻ lợi nhuận sao cho hợp lí?
Điều kiện chia lợi nhuận
Theo như điều 69 của Luật doanh nghiệp ban hành năm 2014, các công ty, doanh nghiệp chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên chỉ khi việc kinh doanh có lãi và công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ về tài chính khác. Đồng thời cần đảm bảo đúng hạn việc thanh toán nợ cũng như các tài sản khác khi đến hạn sau khi đã chia lợi nhuận cho các thành viên.
Bên cạnh đó, với các công ty TNHH thì các thành viên sẽ được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn đã góp ban đầu. Phần lợi nhuận này được chia sau khi công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Trong các trường hợp đã có thoả thuận thì phần lợi nhuận kinh doanh của các công ty được chia theo thoả thuận đó giữa các thành viên. Đồng thời những thoả thuận về việc chia lợi nhuận này phải được ghi và thể hiện rõ ràng trong phần điều lệ công ty. Nếu không có thoả thì phần lợi nhuận giữa các thành viên được chia theo các quy định của Luật doanh nghiệp ban hành. Thông thường phần lợi nhuận này sẽ được chia theo tỉ lệ phần trăm vốn góp vào doanh nghiệp.
Nếu công ty bạn thuộc loại hình công ty cổ phần thì các cổ đông sẽ được trả cổ tức. Với mỗi cổ phần ưu đãi, cổ tức sẽ được trả cho các cổ đông theo từng điều kiện được áp dụng riêng. Với các cổ phần phổ thông thì phần cổ tức được trả cho các cổ đông dựa trên số lợi nhuận ròng và các khoản chi trả cổ tức được trích ra từ phần lợi nhuận đã giữ lại của công ty. Nói chung, phần lợi nhuận của các thành viên trong công ty cổ phần sẽ được chia theo số cổ phần mà mỗi thành viên trong công ty sở hữu.
Để hạn chế tối đa việc tranh chấp và xung đột giữa các thành viên trong công ty thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều luật đã được quy định.
Làm thế nào để chia lợi nhuận hợp lý?
Những thành viên trong công ty sẽ được chia sẻ lợi nhuận phù hợp với số phần vốn đã góp ban đầu sau khi công ty hay doanh nghiệp của mình đã hoàn thành hết các nghĩa vụ tài chính và nộp đầy đủ thuế theo như những gì pháp luật đã quy định.
Thế nhưng sẽ có một số trường hợp có vài thành viên trong công ty chưa góp đủ số vốn như đã cam kết ban đầu thì phần lợi nhuận sẽ được chia như thế nào? Với những trường hợp như thế thì những thành viên chưa góp đủ phần vốn đã cam kết thì sẽ chỉ được nhận phần lợi nhuận tương đương với số vốn đã góp. Ví dụ một người cam kết góp vốn vào doanh nghiệp 6 tỷ đồng chiếm 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thế nhưng sau khoảng 90 ngày từ khi doanh nghiệp được cấp giấy đăng kí kinh doanh mà người này chỉ góp được 3 tỷ đồng (chiếm 10% vốn điều lệ doanh nghiệp) thì khi chia lợi nhuận, người này chỉ được hưởng một phần tương ứng với số phần trăm vốn đã góp ban đầu.
Điều cần lưu ý đó chính là chủ công ty không được tự ý rút lợi nhuận khi mà công ty, doanh nghiệp mình chưa hoàn tất các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài chính khác khi đã đến hạn.
Trên đây là một vài lưu ý mà bạn cần tham khảo khi chia lợi nhuận cho các Co-founder nhằm tránh xung đột xảy ra để công ty có thể phát triển bền vững.
Bình luận