Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), văn bản góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được tổ chức này gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đó, liên quan đến quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, dự thảo quy định: trong phương án hoạt động 5 năm đầu phải có “hiệu quả kinh doanh”, “lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp”. Đây là các nội dung rất khó để đánh giá tại thời điểm xin cấp giấy phép thành lập hoặc cũng không rõ cơ quan cấp phép sẽ đánh giá các nội dung này dựa vào tiêu chí gì. Do đó, đề nghị bỏ các nội dung này.

Coi chừng “làm khó” doanh nghiệp bảo hiểm
Cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển lành mạnh. Ảnh: Bảo hiểm Bảo Minh

Về quy định những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo, theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải thông báo Bộ Tài chính bằng văn bản trước khi triển khai và trước khi thay đổi Điều lệ hoạt động... Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo trước khi thay đổi Điều lệ hoạt động sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều lệ của doanh nghiệp là văn bản ghi nhận các nguyên tắc tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép các doanh nghiệp được tự chủ trong việc sửa đổi Điều lệ mà không cần phải đăng ký/thông báo, trừ trường hợp thay đổi chủ sở hữu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, các thay đổi quan trọng đã phải thực hiện các thủ tục xin phê duyệt từ Bộ Tài chính, nên việc yêu cầu doanh nghiệp thông báo trước khi thay đổi Điều lệ hoạt động là không thực sự cần thiết. Bởi vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét bãi bỏ quy định này.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm...

Điểm đáng chú ý là dự thảo quy định một trong các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là: “tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”. Quy định này không đủ rõ ở chỗ: “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” hay là “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý”? Nếu được hiểu “không có đối tượng bảo hiểm” thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý, nhưng “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý” lại là chưa phù hợp, bởi vì những tài sản hình thành trong tương lai, ví dụ như nhà ở cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa hề tồn tại về mặt vật lý. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu...

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp diễn ra trong tháng 9 này. Sau bước thẩm tra và hoàn thiện này, nếu dự luật đạt chất lượng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng tháng 10/2021./.